Không việc làm, cử nhân chấp nhận “đi đường vòng”

Lận đận ôm hồ sơ tìm việc khắp nơi đều bị từ chối, nhiều cử nhân chấp nhận “đi đường vòng” bằng cách học thêm một số ngành nghề để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.

Học giỏi cũng thất nghiệp

Nỗ lực học giỏi, thi đỗ Học viện Ngoại giao, nhưng sau 4 năm vất vả, Nguyễn Thị Thanh Thủy (trú tại xã Cao Thịnh, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đối diện với nỗi lo thất nghiệp. Sau nhiều tháng lận đận mang hồ sơ khắp các cơ quan tuyển dụng, Thủy đều nhận được cái lắc đầu từ chối với lý do đã đủ người.

Bạn học cùng cấp 3 của Thuỷ không thi đỗ đại học nên đi học nghề nấu ăn, 3 năm nay đã được làm bếp trưởng, lương tháng hơn 10 triệu đồng. Nhiều bạn khác nhờ học nghề cũng đã có việc làm ổn định. Thủy quyết định bỏ bằng cấp, đăng ký học nghề nấu ăn hệ sơ cấp 1 năm tại Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa. Hiện tại, dù đang học nhưng nhờ có thành tích tốt, Thủy được nhà trường tạo điều kiện đào tạo nâng cao để trở thành giảng viên cho trường.

"Nếu cho suy nghĩ lại cách đây 4 năm và biết đến trường nghề trước khi đi thi đại học, tôi đã chọn trường nghề" - Thủy khẳng định.

Giờ học thực hành nấu ăn của học viên Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội).    Ảnh: Mỵ Lương
Giờ học thực hành nấu ăn của học viên Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Mỵ Lương

Đã theo học Đại học Sư phạm Thái Nguyên được 2 năm, nhưng trước các cảnh báo “sinh viên sư phạm dễ thất nghiệp”, Nguyễn Thế Trường (trú xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã quyết định “bỏ ngang”, rồi đăng ký học ngành lắp đặt thiết bị cơ khí tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Trường cho hay, ngay từ đầu anh đã thích nghề hàn, nhưng vì định hướng của bố mẹ nhất định phải đỗ đại học nên anh đành chiều ý.

Nhưng vào học sư phạm một thời gian Trường đã hối hận vì quanh mình nhiều người tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp, sống phụ thuộc vào gia đình. Còn người học nghề có việc làm ngay. Do đó, Trường thuyết phục bố mẹ để xin được chuyển ngành, sang học nghề.

“Cho dù bằng cấp không oai như cử nhân nhưng cũng hơn hẳn cảnh cử nhân thất nghiệp” - Trường nhận định.

Xác định mục tiêu từ đầu

Theo ông Hãn, “học viên đã và đang học ở đâu không quan trọng bằng việc các em xác định được mục tiêu lựa chọn ngành, nghề phù hợp, ra trường kiếm được việc làm. Hiện nay, nghề các em lựa chọn theo học nhiều nhất là cơ khí, cắt gọt kim loại và công nghệ ô tô. Song song với học nghề, học viên được học ngoại ngữ để có thể ra nước ngoài làm việc”.

Theo kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh của tôi, các em đừng quá bận tâm vào nghề “hot”. Vì nghề hôm nay gọi là “hot” sau đó sẽ không còn “hot” nữa khi các doanh nghiệp đã tuyển đủ người. Thực tế đã chứng minh chính những nghề ít người lựa chọn nhưng khi học viên ra trường lại dễ dàng tìm việc hơn nghề “hot” - Ông Dương Văn Tịnh

Theo ông Trần Sỹ Nguyên – Trường phòng Quản lý đào tạo, Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa, lý do nhiều bạn trẻ chọn học nghề tại Hoa Sữa là do kết thúc khoá học, nhà trường cam kết giới thiệu việc làm miễn phí cho học viên, với mức lương tối thiểu từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. “Có nghề - có việc” đó là điều hấp dẫn các bạn trẻ hiện nay”- ông Nguyên khẳng định.

Còn ông Dương Văn Tịnh - nguyên giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội lý giải, một số bạn trẻ vì sĩ diện cá nhân mà bất chấp thi vào đại học bằng mọi giá. Kết quả sau đó, có nhiều bạn không đạt được như mong muốn nên suy nghĩ bi quan, thậm chí hành động tiêu cực.

“Đến nay, người trẻ đã sống thực tế, bớt ảo tưởng hơn, lựa chọn một công việc ổn định hơn là bất chấp lấy danh hão. Cho nên, để tránh phải đi đường vòng trong việc học tập, ngay từ đầu các bạn trẻ nên đánh giá đúng khả năng của mình để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp” – ông Tịnh khuyên.

Theo danviet.vn