"Không ngờ ra Tết xin việc khó đến thế"
(Dân trí) - Lang thang nửa ngày không tìm được công ty cần người, anh Hoàng đành từ bỏ ý định chọn việc thu nhập ổn định, có tăng ca. Ông bố trẻ chỉ mong giờ có việc.
Không dễ tìm việc
Chiều một ngày tháng Hai, kẹp tập hồ sơ ở đầu chiếc xe máy, vợ chồng Lò Văn Hoàng (21 tuổi), Đường Thị Yêu (19 tuổi), quê Thuận Châu, Sơn La lang thang khắp khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) tìm việc. Đi qua cổng cả chục công ty treo biển "tuyển công nhân", Hoàng và vợ vẫn không được nơi nào vời gọi.
"Những tấm biển treo ở ngoài cổng các doanh nghiệp có từ trước Tết. Tôi và vợ đi qua công ty nào cũng vào hỏi nhưng hóa ra họ đã tuyển đủ người cả rồi", Hoàng nói.
Dừng xe trước cổng một công ty sản xuất nhựa, Hoàng bảo vợ kiểu này chiều nay chưa thể tìm được việc. Hai vợ chồng nhìn nhau rồi tự nhủ "ngày mai lại đi kiếm việc".
Hoàng kể, ban đầu hai vợ chồng vạch ra tiêu chí chọn công ty nào đó có tăng ca, cam kết thu nhập ổn định để có tiền lo bỉm sữa cho con. Thế nhưng ý định của cả 2 sớm vụt tắt bởi thấy cùng lúc cả trăm lao động đang chung cảnh lọ mọ tìm việc giống mình.
Từng làm công nhân công ty điện tử ở khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), cuối năm ngoái nhà máy khó khăn, không có việc, thu nhập tháng cuối cùng Hoàng nhận được chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng. Anh quyết định xin nghỉ rồi ra ngoài kiếm việc làm thêm.
"Trước Tết, chúng tôi quyết định nghỉ việc khá dễ vì cứ nghĩ ra Giêng, cũng giống như mọi năm, nhiều công ty cần người, tuyển dụng rầm rộ, cơ hội lựa chọn nhiều nhưng không ngờ hôm nay đi xin việc khó quá. Không thấy nơi nào tuyển chứ đừng nói đến việc kiếm chỗ có tăng ca, thu nhập ổn định", Hoàng chán nản.
Tết vừa rồi nhận lương 4 triệu, cộng với thu nhập khi đi làm công nhân xây dựng, Hoàng cầm 10 triệu về Sơn La. Nay xuống khu công nghiệp tìm việc khi trong người chỉ còn 2-3 triệu đồng, Hoàng và vợ ở nhờ phòng trọ cùng vợ chồng người anh ruột để tiết kiệm tiền những ngày đi tìm việc.
16h chiều, chị Hoàng Thị Ngân và Dương Thị Vương (47 tuổi, quê Yên Thế, Bắc Giang) lững thững đi bộ qua cầu vượt ra điểm bắt xe khách để về nhà. Chị Vương cho biết hôm nay cả hai đi làm ngày đầu tiên ở công ty mới.
Hai nữ công nhân nghĩ bản thân may mắn hơn hàng trăm lao động khác đang không có việc nhưng ngay ngày đi làm đầu tiên, chưa hết buổi họ đành rút hồ sơ xin nghỉ vì công việc vất vả, môi trường làm việc vừa ồn vừa bụi.
"Đợt nghỉ việc ở công ty cũ, mình hết hợp đồng, công ty vẫn ký tiếp nhưng do nhà có việc nên mình quyết định nghỉ việc, đến nay mới trở lại. Hai chị em đã xin được công việc mới nhưng hôm nay, làm ngày đầu tiên mà thấy trong xưởng hàn ồn với bụi, không chịu được nên lại rút hồ sơ xin nghỉ", chị Vương giải thích, tạm về Yên Thế, ngày mai lại bắt xe khách xuống tìm việc.
Nguồn nhân lực dồi dào từ phía Nam ra
Khảo sát nhu cầu tuyển dụng đầu năm ở phía Bắc cho thấy doanh nghiệp cần tuyển hơn 54.000 lao động phổ thông, phần lớn là công nhân sản xuất. Trong đó, riêng Bắc Giang dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với 44.800 vị trí việc làm.
Quý 1/2023, các doanh nghiệp ở Bắc Giang đã đăng ký số lượng 28.000 lao động cần tuyển mới thuộc các ngành điện tử, may mặc, sản xuất nhựa và pin năng lượng mặt trời. Theo tính toán, cả năm, do nhu cầu mở rộng sản xuất, toàn tỉnh sẽ cần khoảng 60.000 lao động ở nhiều ngành nghề, chủ yếu vẫn là công nhân sản xuất ngành điện tử, còn lại là phụ trợ, xây dựng, bán hàng.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, trên địa bàn hiện có 6/8 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 172.000 lao động. So với cùng kỳ năm ngoái, số lao động trở lại làm việc sau Tết giảm khoảng 11.000 người.
"Năm nào ra Tết lượng lao động cũng giảm từ 2.000-3.000 người, năm nay thì nhiều hơn vì có sự cắt giảm lao động ở một số doanh nghiệp điện tử, may mặc... Mọi năm, từ trước Tết, các doanh nghiệp trước Tết đã có đơn hàng của năm sau nhưng năm 2023 này thì không có.
Các doanh nghiệp phải cố gắng cầm cự, làm nốt những đơn hàng cũ, cố kéo dài thêm thời gian để giữ chân người lao động", Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết.
Theo ông Ngọc, hiện nay nguồn lao động phổ thông đang rất sẵn nhưng do khó khăn, các doanh nghiệp tuyển rất ít.
"Doanh nghiệp ban đầu đăng ký tuyển 7.000 lao động đầu năm, tuy nhiên hiện tại số lượng tuyển dụng mới dừng ở vài trăm công nhân sản xuất. Nhìn chung, các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Một số doanh nghiệp vẫn tổ chức tăng ca nhưng thời gian tăng ca giảm hẳn, chỉ còn 50% so với trước, ở các ngành điện tử, may mặc…", ông Ngọc nói.
Theo đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chưa có ý định tuyển thêm nhân sự. Một số doanh nghiệp đăng tuyển lao động để bù cho số lao động nghỉ Tết không quay lại làm việc, chuyển sang công ty khác...
"Nguồn cung lao động hiện nay rất dồi dào, dễ tuyển vì lao động khu vực miền núi phía Bắc năm ngoái làm công nhân trong Nam gặp khó khăn, mất việc về quê nay không muốn đi xa nữa mà tìm nơi gần quê như Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trước đây doanh nghiệp cần tuyển 500 lao động thường phải mất khoảng nửa tháng mới tuyển được thì bây giờ có tuyển được ngay nhưng lại không có nhu cầu", ông Ngọc nêu.
Những ngày gần đây, nhiều công nhân không được tái ký hợp đồng sau khi hết hạn đã đặt câu hỏi, hay các doanh nghiệp đang muốn "thay máu" để giảm chi phí, tiền lương. Phủ nhận nghi vấn này, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang giải thích, các doanh nghiệp tuy gặp khó hiện tại nhưng đều rất muốn giữ chân lao động bởi sa thải thì khi đơn hàng ổn định trở lại sẽ phải mất thời gian, chi phí đào tạo cho số lao động mới, ảnh hưởng không nhỏ.
"Các doanh nghiệp sao có thể sa thải những lao động có kinh nghiệm, có tay nghề để đi tuyển lao động mới? Ai cũng hiểu rằng, khi tuyển nhân sự mới phải mất chi phí để đào tạo và năng suất lao động trong một thời gian không thể so được với lao động lâu năm.
Doanh nghiệp hoàn toàn thấy rõ mọi lợi - hại nên không có chuyện sa thải người cũ, tuyển người mới để tiết kiệm chi phí đâu", ông Ngọc lập luận, đơn hàng với doanh nghiệp quan trọng nên việc giữ chân công nhân lành nghề cũng rất quan trọng.