Không ít doanh nghiệp nói sai chuyện thiếu nhân công

(Dân trí) - Khảo sát thực tế của cơ quan chức năng tại một số địa phương nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm cho thấy sự thiếu hụt và khó tuyển lao động (LĐ) nhưng không đúng như các DN vẫn phàn nàn.

Ông Nguyễn Đại Đồng Cục trưởng cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trước tình hình doanh nghiệp (DN) kêu nhiều về tình trạng căng thẳng thiếu công nhân sau tết vài năm gần đây. đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...Cục đã lập đoàn khảo sát thực tế tại một số địa phương nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm. Kết quả cho thấy, sự thiếu hụt và khó tuyển lao động (LĐ) nhưng không đến mức trầm trọng như các DN phàn nàn.

Không ít doanh nghiệp nói sai chuyện thiếu nhân công - 1
Liên tục tuyển mới lao động cũng là cách "lách luật" của không ít DN. (Ảnh minh hoạ)
 
Thực tế, các DN đăng thông báo số nhu cầu tuyển dụng thường tăng gấp 5-10 lần so với nhu cầu thực tế. Còn có tình trạng DN cùng ngành nghề như da giầy, dệt may. cạnh tranh nhau bằng cách sau khi đã tuyển đủ LĐ vẫn không chấm dứt thông báo tuyển dụng nhằm lôi kéo người, dẫn đến tình trạng một số LĐ sẵn sàng nghỉ việc ở chỗ cũ khi thấy nơi mới tuyển có thu nhập, đãi ngộ cao hơn.

Ngoài ra, việc các DN liên tục tuyển lao động mới, thay thế  số công nhân cũ còn là cách lách luật trốn tránh nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người LĐ. Mặt khác, việc tuyển LĐ mới không có tay nghề theo hợp đồng vừa đào tạo nghề, vừa làm với tiền lương học nghề dưới 1 triệu đồng/tháng cũng sẽ giúp giảm chi phí trả lương cho DN….

Chính những cách tính toán này đã tạo nên thông tin “ảo” về sự khan hiếm LĐ trên thị trường mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được. Ông Đồng đưa ra một khía cạnh khác, thực tế chính sách về tiền lương của các DN đưa ra hiện nay chưa thực sự hấp dẫn LĐ. Vì vậy, nhiều LĐ phổ thông không mặn mà với công việc hiện tại nên luôn nghe ngóng thông tin về chỗ làm mới với thu nhập cao hơn, dân đến tình trạng luồng lao động dịch chuyển không ổn định từ khu vực này sang khu vực khác.

Theo ông Đồng, nâng cao chất lượng việc làm, giảm tỉ lệ việc làm kém bền vững là những ưu tiên hàng đầu đang là vấn đề bức thiết của ngành lao động cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay.

Phạm Vũ