Không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng Tết

Các ngành chức năng cần phối hợp với Công đoàn (CĐ) nắm tình hình đời sống công nhân, có biện pháp hỗ trợ kịp thời người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ LĐ-TB-XH ngày 10-1 đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường biện pháp ổn định quan hệ lao động trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo đó, để bảo đảm đời sống NLĐ, ổn định tình hình quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động và đình công xảy ra trong dịp tết Đinh Dậu 2017, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị các tỉnh hướng dẫn các DN trên địa bàn triển khai thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP
Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị các tỉnh hướng dẫn các DN trên địa bàn triển khai thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP

Trong đó, đặc biệt chú trọng kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, nhất là trong việc thực hiện chế độ giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ, trả lương, trả thưởng; không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng, nợ đọng BHXH của NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị các tỉnh hướng dẫn các DN trên địa bàn triển khai thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động để áp dụng từ ngày 01-01-2018. Chú trọng việc xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương; bảo đảm quan hệ tiền lương giữa lao động có chuyên môn kỹ thuật với lao động giản đơn, giữa người có nhiều thâm niên làm việc với người có ít thâm niên trong nội bộ doanh nghiệp và thống nhất với tổ chức công đoàn cơ sở, thông báo công khai cho NLĐ biết trước khi đưa vào áp dụng.

Các tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ DN đối thoại, thương lượng để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ.
Các tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ DN đối thoại, thương lượng để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phối hợp với CĐ nắm tình hình đời sống công nhân, có biện pháp hỗ trợ kịp thời NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ về quê ăn tết cùng gia đình. CĐ cơ sở cập nhật tình hình biến động lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán để có phương án hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Ngoài ra, các tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ DN đối thoại, thương lượng để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Không để xảy ra đình công kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Báo Người lao động