Liên quan tới thông tin lao động Việt Nam tại Arập Xê út:
Không có thẻ lao động, khiến người lao động chưa thể về nước
Liên quan tới thông tin lao động của Công ty Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng long (Thanglong OSC, Hà Nội) tại Ảrập Xê út bị nợ lương và chưa được về nước. Nhằm cung cấp thông tin 2 chiều, phóng viên Báo Dân trí đã trao đổi với ông Nguyễn Trần Thăng - Chủ tịch HĐQT Công ty - để làm rõ thêm thông tin.
Ông Nguyễn Trần Thăng cho biết: Từ năm 2013, Thanglong OSC có ký hợp đồng cung ứng lao động với Công ty Bander (Ả rập Xê út). Đa số lao động được phái cử sang đều thuộc các huyện nghèo của tỉnh Bắc Cạn. Nhóm lao động khoảng hơn 40 lao động đầu tiên của Thanglong OSC đã được phái cử sang làm việc từ tháng 7-9.2013 với mức lương 10-11 triệu đồng/người/tháng.
Từ 5/2014, Cty Bander bị hỏng một số hợp đồng khiến tài chính sa sút, giờ làm thêm ít đi, chỉ trả lương cơ bản cho công nhân khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Lương sụt giảm, công nhân Việt Nam phản ứng bằng cách đình công.
Trước tình hình này, Thanglong OSC một mặt nắm tình hình với Cty Bander, mặt khác đã nhờ đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Arập Xê út tới vận động lao động để họ thông cảm và đi làm lại.
Nhưng thực sự là công ty Bander có vấn đề về tài chính nên đã xảy ra tình trạng nợ lương nhiều tháng. Tới nay vẫn bị nợ lương. Công nhân Việt Nam đình công và nói rằng thông tin hợp đồng lao động không đúng với thực tế. Tháng 10, đại diện Thăng Long OSC đã sang Ả rập xê út và giải thích tình hình.
Trong thời gian đó, ngày 12/4/2014, nhóm lao động thứ 2 của Thanglong OSC đã sang làm việc cho Công ty Bander theo thỏa thuận từ trước. Đoàn có 21 lao động, nhưng 1 người bị bệnh về nước ngay sau đó.
Lao động từ Arập xê út đang nhận tiền hồ trợ từ Thanglong OSCLúc này, Công ty Bander đang rơi vào lúc khó khăn và sa sút. Công ty không thể bố trí được việc làm và không làm thẻ lao động cho nhóm lao động thứ 2 này. Chúng tôi liên tục thúc giục qua điện thoại và email công ty.
Đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam cũng tới làm việc với Bander. Họ đã hứa nhiều lần nhưng vẫn không làm thẻ lao động. Thậm chí, họ còn hứa sau Lễ Ramadan sẽ thực hiện, nhưng vẫn không thành hiện thực.
Tới tháng 9, tôi đã sang Ả rập xê út và làm việc với Công ty Bander. Tôi đã đề nghị họ: Nếu họ đồng ý, tôi sẽ đưa toàn bộ 20 lao động này sang công ty khác để làm việc tại đây và không yêu cầu họ phải trả chi phí gì. Nhưng công ty Bander không đồng ý vì sợ ảnh hưởng uy tín. Họ khẳng định nếu không bố trí được việc làm thì sẽ trả lao động về nước.
Công ty Bander nhờ chúng tôi hỗ trợ 50 % tiền vé về cho lao động. Chúng tôi đồng ý với phương án này. Qua 2 đợt thông báo, họ đã chuyển 20 lao động về nước an toàn.
Chúng tôi đã đón lao động từ sân bay và hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Do số lao động ở Bắc Cạn đông nên công ty thuê xe đưa về tận nơi.
* Ngày 6/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn đã có công văn số 4258/UBND-NV gửi tới Bộ Ngoại giao đề nghị chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan và Đại sứ quán Việt Nam tại Ảrập xêút đưa số lao động của tỉnh thông qua công ty Thanglong OSC về nước. Công văn 4258/UBND - NV cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan phối hợp với đại sứ quán Việt Nam tại Ảrập xêút đưa số lao động của tỉnh về nước. * Ngày 11/11, Công ty Thanglong OSC đã có công văn gửi Cục quản lý lao động ngoài nước báo cáo tình hình về 20 lao động từ Ảrập xêút đã về nước an toàn và thông tin 17 lao động được công ty Bander lên danh sách chuẩn bị đưa tiếp về nước. |
Với những lao động thuộc đợt 2 sang Ả rập xê út làm việc, Công ty Bander nói do họ chưa có thẻ lao động nên không thể làm visa xuất cảnh về nước. Công ty Bander nói sẽ làm thẻ lao động cho những lao động này để đúng thủ tục.
Nhưng từ đầu tháng 10 tới nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin thêm.
Hôm qua (11/11), họ báo đã bố trí được visa xuất cảnh cho 17 lao động về nước và sẽ gửi danh sách cho chúng tôi. Chúng tôi chưa nhận được danh sách nên không rõ số lao động này nằm ở danh sách 20 lao động sang từ đợt 12/4 hay lao động đợt năm 2013.
Chúng tôi đã làm việc và cam kết với UBND tỉnh Bắc Cạn về việc đưa người về và chịu các chi phí. Với những lao động chưa có việc làm tại Ả rập Xê út, Thanglong OSC vẫn cấp tiền ăn thường xuyên cho tới khi họ về nước.
Với 20 lao động đi đợt 2, chúng tôi cam kết sẽ thanh toán đầy đủ tiền lãi và gốc tiền vay của họ tại ngân hàng, chúng tôi sẽ trả 100 %. UBND tỉnh Bắc Cạn cũng ủng hộ việc này.
Về phía công ty, chúng tôi cũng rất áy này vì đã hứa với UBND tỉnh Bắc Cạn tới ngày 30/10 sẽ đưa về hết, nhưng do tình trạng bất khả kháng nên không thể làm được. Do phía công ty Bander không làm thẻ lao động cho 20 lao động nên họ không có visa xuất cảnh.
Bên cạnh những nỗ lực của công ty, chung tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng và Bộ LĐ-TB&XH can thiệp với chính quyền Ả rập Xê út để cấp visa cho toàn bộ lao động về nước. Trong số đó có 1 số lao động người dân tộc nhằm tránh những ảnh hưởng không tốt về mặt xã hội.
Thạch Bích ghi
Ông Nguyễn Trần Thăng cho biết: Qua sự việc này, Thanglong OSC đánh giá thị trường Ả rập Xê út dễ đi và có thu nhập tốt. Nhưng có lẽ không nên đưa lao động thuộc các huyện nghèo tham gia vào thị trường này. Vì nhận thức của họ còn kém nên dễ xảy ra những phát sinh. Khi có vấn đề xảy ra ở Ảrập Xêút thì việc xử lý rất khó không chỉ với công ty chúng tôi mà nhiều công ty XKLĐ khác. Đại diện Thanglong OSC đi sang Ảrập Xêút rất khó khăn. Đợt rồi, tôi có thể sang làm việc được với Cty Bander là “đi ké” visa với đoàn của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mới có thể giải quyết nhanh được. Còn bây giờ có tiền cũng phải chờ tới hàng tháng mới đi được. Mà giải quyết khó và chậm thì dễ ảnh hưởng tới chính trị liên quan tới lao động huyện nghèo. Mặt khác, luật pháp của Ảrập Xê út khác biệt. Đối tác mới chấp nhận tiếp nhận lao động, người lao động muốn chuyển chủ lao động mới. Thậm chí, công ty phái cử lao động - chúng tôi - chấp nhận bỏ phí ra để giúp lao động, nhưng nếu chủ cũ không đồng ý với lý do ảnh hưởng tới họ thì cũng không được. Trong khi đó, nếu muốn lao động về nước thì phải thẻ lao động để làm căn cứ xin visa xuất cảnh. Thực tế, Công ty Bander - đối tác của chúng tôi là một doanh nghiệp rất lớn. Chúng tôi đã khảo sát, họ có hơn 10.000 người đang làm việc. Số lao động Việt Nam chỉ hơn 100 người. Họ gặp khó khăn từ tháng 4/2014 tới nay. Họ đang nợ lương của nhiều lao động nước khác. Qua đây, công ty cần rút kinh nghiệm: Không đưa lao động ở các huyện nghèo vào những thị trường nhạy cảm như Ảrập Xêút. |