Quảng Nam:
Khó tuyển dụng nhân lực y tế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội
(Dân trí) - Dù chỉ tiêu biên chế còn trống nhưng việc tuyển dụng nhân lực y tế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam còn nhiều khó khăn. Còn ít y, bác sĩ sẵn sàng "đầu quân" về đây.
Sáng 13/5, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đã có buổi kiểm tra tình hình thực tế hoạt động của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam đóng tại xã Cẩm Hà, TP Hội An. Ông Trần Anh Tuấn đánh giá cao công tác chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng cho các đối tượng già yếu, khuyết tật tại đây.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 2 cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt tại TP Hội An. Tổng diện tích Trung tâm có khoảng 15.000 m2, trong đó diện tích xây dựng hơn 5.000 m2. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 131 đối tượng.
Theo ông Trần Phước Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam, việc hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được quan tâm sát sao, đảm bảo. Công tác chăm sóc người già yếu, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đầy đủ, duy trì thường xuyên.
Ngoài ra, Trung tâm còn tạo điều kiện đào tạo nghề cho các em tại các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Hiện có 5 em học nghề, 7 em đang học cao đẳng, 5 em cấp bậc đại học được chi trả chế độ đầy đủ hàng tháng…
Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất một số công trình chưa đảm bảo, xuống cấp cần được quan tâm khắc phục; các dụng cụ phục hồi chức năng đã cũ, hư hỏng, không đảm bảo trong quá trình tập luyện; hệ thống nước sạch chưa được đầu tư đúng mức, hiện nay chỉ dùng ở nhà bếp, các nơi khác vẫn phải sử dụng giếng máy…
"Một công việc cấp bách hiện nay là tuyển dụng nhân lực y tế rất khó khăn, dù có chỉ tiêu, biên chế nhưng vẫn không tuyển dụng được. Trong khi đó, Trung tâm đa phần người già yếu, khuyết tật nặng cần chăm sóc 24/24 mà nhân lực y tế không đủ, việc chăm sóc không đảm bảo", ông Trần Phước Tuấn cho hay.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam - cho biết, nhiều lao động đã làm lâu việc tại đây lâu năm nhưng chưa được xét tuyển. Tại các Trung tâm của Sở quản lý, công việc đặc thù không giống với các trung tâm y tế. Họ làm nhiệm vụ chăm sóc là chủ yếu. Nếu không thật sự quen việc rất khó để thích ứng. Do đó, Sở đề xuất nếu xét tuyển hay thi tuyển, cần tách riêng ngành lao động ra.
Ngoài ra, việc tuyển dụng nhân lực cho các Trung tâm cũng rất khó thu hút các y, bác sĩ đầu quân về. Ví dụ như chỉ tiêu biên chế đưa ra là 20 nhưng nay mới chỉ có 13 chỉ tiêu, hợp đồng đưa ra là 39 nhưng chỉ tuyển dụng được 35 lao động.
"Lâu nay, trong các đợt tuyển dụng thường đòi hỏi y, bác sĩ phải có đủ thời gian làm việc 18 tháng. Điều này gây khó cho sinh viên mới ra trường. Trong khi mục tiêu của Quảng Nam là thu hút nhân lực, nhân tài. Cũng phải nói thêm, tình trạng y, bác sĩ nếu có kinh nghiệm làm việc thì thường tìm đến các cơ sở tư nhân với mức thu nhập hấp dẫn hơn", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Kết thúc buổi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần xác định trách nhiệm của cán bộ tại Trung tâm, động viên khắc phục khó khăn, rà soát đánh giá, phân công lại các công việc sao cho hợp lý, phù hợp tùy tính chất công việc. Thực hiện chăm sóc tốt các đối tượng, hỗ trợ phục hồi chức năng đảm bảo có thể chuyển trả về cộng đồng (nếu đối tượng có người thân, gia đình).
Ngoài ra, đào tạo học sinh gắn với định hướng nghề phù hợp sở thích, nguyện vọng của các em nhưng phải đảm bảo phù hợp yêu cầu xã hội. Cần có sự liên kết với các cơ sở dạy nghề để đảm bảo định hướng đúng cho các em.
Xã hội hóa đầu tư, kêu gọi đầu tư, nhất là từ các tổ chức phi chính phủ… Bên cạnh đó, có thể suy nghĩ đến lập đề án khu chăm sóc, an dưỡng cho người giàu trên cương vị là đơn vị tự chủ.