1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khi sự nghiệp “giậm chân tại chỗ”

(Dân trí) - Sự nghiệp cũng giống như cuộc sống, có “lúc thăng lúc trầm” và đó chính là sự cân bằng. Nhưng nếu bạn nhận thấy công việc của mình “giậm chân tại chỗ” đã quá lâu, hãy nhanh chóng tìm cách cải thiện tình hình trước khi sự nghiệp thụt lùi.

Khi sự nghiệp “giậm chân tại chỗ”
Dấu hiệu phổ biến của một sự nghiệp đang chững lại là: bạn đánh mất động lực làm việc, “nhảy việc” nhiều lần nhưng vẫn không được thăng tiến, tăng lương, không học hỏi được thêm kiến thức, kỹ năng mới… Nếu bạn có những dấu hiệu trên, đã đến lúc phải thay đổi:

Tìm một công việc mới

Liệu đã đến lúc tìm một công việc mới? Chỉ có bạn mới có thể trả lời câu hỏi đó. Hãy đánh giá lại tình hình xem nếu có nên “nhảy việc” hay không. Bạn có thể lập một danh sách ưu và nhược điểm của công việc hiện tại để tìm ra giải pháp thích hợp nhất. Chú ý rằng nghỉ việc không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn tốt nhất, đôi khi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn chỉ cần điều chỉnh một chút công việc hiện tại. Tuy nhiên, nếu nhược điểm lấn át ưu điểm, hãy trung thực với bản thân và tìm kiếm những cơ hội mới.

Tham gia các khóa học

Học hỏi những kỹ năng, kiến thức mới sẽ giúp bạn tiến lên phía trước. Hãy tìm hiểu xem công ty bạn có tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các khóa học bổ trợ hay không. Đây cũng là cách bạn thể hiện cho cấp trên thấy mình là người năng động, luôn tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân.

Nếu công ty không trợ cấp chi phí, bạn có thể tự đầu tư cho sự nghiệp của mình. Không bao giờ là lãng phí khi học hỏi kiến thức mới. Bạn cũng có thể tiết kiệm bằng cách tham gia các khóa học online.

Đề nghị được thăng chức hoặc một vị trí khác

Nếu bạn không chủ động đề nghị, sự thăng tiến, tăng lương có thể không tự tìm đến với bạn. Dù thật khó để yêu cầu cấp trên đáp ứng điều mình muốn nhưng để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại, bạn cần lên tiếng. Sếp không phải là người đọc được suy nghĩ của người khác và không biết bạn muốn gì. Nếu bạn nhận thấy mình muốn có thêm trách nhiệm hay thay đổi vị trí, hãy cho anh/ cô ấy biết. Hãy chủ động và quản lý sự phát triển nghề nghiệp của chính mình.

Thay đổi cách làm việc hàng ngày

Sự trì trệ xảy đến với những dấu hiệu cảnh báo. Bạn cảm thấy như bị “mắc kẹt” và bắt đầu làm những việc giống nhau theo cùng cách thức từ ngày này qua ngày khác mà không để ý. Vì vậy, hãy thường xuyên đánh giá lại mọi việc xung quanh bạn và bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như giao tiếp thường xuyên hơn với các thành viên trong nhóm, cố gắng quyết đoán hơn… Dù nhỏ nhưng chúng có thể tạo ảnh hưởng lớn tới sự tận hưởng và thành công trong công việc của bạn.

Cải thiện sự tự tin

Dù kết quả công việc hiện tại không phải quá tồi tệ nhưng nếu bạn cảm thấy cần phải tiến lên, cần phải thay đổi, hãy hành động. Dù thay đổi là điều khó khăn, thậm chí đáng sợ nhưng thực hiện từng bước từng bước một, bạn sẽ khởi động một con đường sự nghiệp mới tốt đẹp hơn. Hãy nhanh chóng gạt bỏ những suy nghĩ kìm hãm bạn và nâng cao sự tự tin bằng cách tập trung phát huy những điểm mạnh cũng như cải thiện những thiếu sót.

Vũ Vũ

Theo Jobacle