1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khi cuộc sống "bình thường mới", nơi ở cho người lao động cần được quan tâm

Đại Việt

(Dân trí) - GS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, nơi lưu trú cho người lao động cần được quan tâm hơn, khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới. Nhiều giải pháp thực hiện đã được đề xuất.

Nơi lưu trú còn nhiều bất cập

Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TPHCM, vấn đề lưu trú hay chỗ ở cho người lao động tại các doanh nghiệp ngày càng được quan tâm, nhất là trong thời điểm nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện nay, doanh nghiệp phải thuê chỗ ở tập trung cho người lao động ở lại sản xuất. Tuy nhiên việc này quá tốn chi phí và chỉ phù hợp với doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Một số doanh nghiệp cho người lao động ăn ở tại nơi sản xuất theo kiểu tạm thời, đối phó.

Dù doanh nghiệp triển khai bằng cách nào thì cũng làm cho người lao động gặp nhiều trở ngại hơn so với điều kiện sinh hoạt bình thường.

"Việc có nơi cư trú phù hợp cho người lao động, kết nối tốt với nơi sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất, vừa tuân thủ các tiêu chí an toàn chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép" - GS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Khi cuộc sống bình thường mới, nơi ở cho người lao động cần được quan tâm - 1

GS Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TPHCM (Ảnh: Đ.V).

Theo Giáo sư, thời gian giãn cách kéo dài khiến một bộ phận doanh nghiệp ngừng sản xuất, công nhân không có việc làm, thu nhập giảm. Người lao động không đủ trang trải tiền nhà trọ và mua thực phẩm nên tìm đường về quê tránh dịch.

Những phản ứng tức thời này là hợp lý đối với cá nhân nhưng sẽ làm thiếu lao động khi xã hội bước sang giai đoạn bình thường mới. Lao động trở về quê có thể làm tăng gánh nặng cho những người thân, quê hương. Kinh nghiệm từ Bắc Giang, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai là những minh chứng điển hình nhất trong những tháng vừa qua.

Qua thực tế khảo sát nhiều khu công nghiệp (KCN) tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài nhận thấy diện tích đất trong các KCN rất lớn nhưng chủ yếu bố trí cho sản xuất. Còn các công trình xanh, lưu trú và các tiện ích xã hội khác như nhà trẻ, bệnh viện thì lại khan hiếm, thậm chí là không có.

Nhận định của ông cho thấy, quy hoạch ban đầu của các KCN thường có cơ sở hạ tầng xã hội bao gồm nơi lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên, khi triển khai thì còn nhiều bất cập, vấn đề lưu trú cho người lao động ít được quan tâm.

Theo ông, vì hiệu quả kinh tế nên doanh nghiệp thường tiết kiệm chi phí lưu trú cho người lao động dù họ biết nguồn lực con người mang tính quyết định cho việc phát triển, cạnh tranh, lợi nhuận...

"Doanh nghiệp thấy việc trả lương cho nhân viên là đã hoàn thành trách nhiệm xã hội nên họ để người lao động tự cân đối nhu cầu lưu trú theo cách tự nhiên" - GS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ.

Đâu là giải pháp tháo gỡ?

Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề quan tâm và vấn đề lưu trú của người lao động không thể không nhắc đến. Những bất cập còn tồn tại cần được cải thiện để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, tăng khả năng chống chịu rủi ro trong tương lai.

Khi cuộc sống bình thường mới, nơi ở cho người lao động cần được quan tâm - 2

Nơi lưu trú của người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức (Ảnh: Đ.V).

Vị Giáo sư hiến kế, trước hết, các KCN cần thực hiện những quy hoạch đã có các công trình hạ tầng xã hội như nơi lưu trú, cây xanh, nhà trẻ, khu vực văn hóa - thể thao và các tiện ích xã hội khác hoặc bổ sung nếu chưa có. Việc này cần phải triển khai cấp tốc, không trì hoãn và phải mang tính hệ thống đồng bộ với sự chăm lo từ nhiều bên.

"Hiện tại, chúng ta đang đối mặt với biến chủng Delta và sau này có thể đối mặt với các biến chủng khác mạnh hơn và nhanh hơn. Nếu trong điều kiện bình thường mới không chuẩn bị thì chúng ta có thể sẽ tiếp tục bị động", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ.

"Con số hơn 3% đất phục vụ cho các công trình hạ tầng xã hội tại các KCN đang là quá ít. Hiện nay, chỉ có khoảng 50% các KCN triển khai các công trình hạ tầng xã hội. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa chú trọng vào những vấn đề này, các đơn vị phát triển cơ sở hạ tầng KCN cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình", Giáo sư nhận định.

Kế đến, KCN cần gắn liền với đô thị một cách có hệ thống với mạng lưới lưu trú người lao động ở kế bên. Các KCN cần hướng tới mục tiêu "KCN xanh" hoặc phát triển "cộng sinh" công nghiệp gắn với dịch vụ đô thị, trong đó có dịch vụ lưu trú công nhân. Để làm được điều này, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân.

Vấn đề vận chuyển, đưa đón người lao động từ nơi lưu trú đến KCN cũng cần có tính hệ thống, kết nối tốt với mạng lưới xe buýt công cộng. Việc này tạo sự tiện lợi cho người lao động, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM.

Bên cạnh đó, thời gian tới cần chuẩn hóa các khu nhà trọ tư nhân bằng một quy định đảm bảo không gian sống, tiện ích tối thiểu, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo các giãn cách tối thiểu... Quy định này cần được khuyến khích thực hiện và đi đến bắt buộc đối với chủ nhà và người đi thuê.

"Thực tế cho thấy, người lao động trong các KCN tại TPHCM và Bắc Giang đã bị lây nhiễm chéo do điều kiện lưu trú không đảm bảo" - GS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Vị Giáo sư này đề xuất, các "siêu đô thị" như TPHCM và Hà Nội cần phải giảm bớt áp lực lưu trú của người lao động đến làm việc bằng một chiến lược dài hơi. Điển hình như thâm dụng lao động kỹ năng và công nghệ thay vì lao động giản đơn. Việc này nhằm giảm áp lực mật độ lưu trú để tuân thủ các điều kiện sinh sống an toàn.

Khi nơi lưu trú được đảm bảo an toàn, phục vụ tốt nhu cầu của người lao động thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững, từ đó đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.