Khi “bóng hồng” chèo lái doanh nghiệp

Là doanh nhân đã khó, là nữ doanh nhân của một doanh nghiệp (DN) nhiều công nhân nữ còn khó khăn hơn nhiều...


Là chủ DN nhiều lao động nữ, khó khăn của chị em còn tăng lên nhiều lần - Ảnh: K.Linh

Là chủ DN nhiều lao động nữ, khó khăn của chị em còn tăng lên nhiều lần - Ảnh: K.Linh

“Phụ nữ luôn phải cân nhắc giữa kinh doanh và con cái, gia đình, còn nam giới thì không nặng như vậy”, một chuyên gia của Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong đã đưa ra thông điệp như vậy khi chia sẻ về sự khó khăn của phụ nữ khi làm chủ doanh nghiệp nhân ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.

Công ty có phòng vắt sữa, phòng cho con bú

“Là doanh nhân đã khó, là nữ doanh nhân của một doanh nghiệp (DN) nhiều công nhân nữ còn khó khăn hơn nhiều”, đó là chia sẻ của bà Đinh Thị Hồng Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MIDO. Bà Thịnh hiện quản lý thêm cả một công ty may mặc tại Ninh Bình mà tỷ lệ công nhân nữ chiếm tới 90%. Bà cho biết, khi thu nhận nữ lao động, DN không chỉ đào tạo nghề mà còn phải dạy họ từ lời ăn tiếng nói, cách đi đường đúng luật và an toàn, cách ứng xử với đồng nghiệp và mọi người xung quanh tới tác phong làm việc, giờ giấc…

Chính sách chưa tới được doanh nghiệp

Phó chủ tịch Hiệp hội DN nữ Hà Nội Tô Thị Phương Thảo cho biết, hiện nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho các DN có nữ làm chủ và DN có nhiều công nhân nữ. Song những chính sách này chưa sâu và rộng nên hầu hết các DN chưa thực sự được hưởng. Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nhân bình đẳng, bản thân các doanh nhân nữ không mong có ưu đãi riêng mà cần cơ chế chính sách cải cách các thủ tục cho cộng đồng DN nói chung như thủ tục vay vốn, giảm lãi suất…

Để đảm bảo chế độ cho nữ công nhân, ngoài lễ tết, bà Thịnh cho biết DN còn trả lương trong thời kỳ thai sản cho chị em, trả đủ lương trong thời kỳ hưởng chế độ cho con bú, hay trả lương cho chị em hưởng chính sách nghỉ ngơi trong ba “ngày phụ nữ” hàng tháng… “Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện chia sẻ, câu chuyện hội nhập mà còn là uy tín của DN để giữ chân công nhân”, bà Thịnh cho hay.

Tương tự, Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh do bà Hà Thị Vinh làm Tổng giám đốc, do đặc thù đông nữ công nhân nên đã có hẳn phòng vắt sữa cho chị em, phòng riêng để chị em cho con bú. Bên cạnh đó, bà Vinh cho biết còn chuẩn bị cả phòng cho chị em nghỉ ngơi những ngày “đèn đỏ”… “Cùng phận nữ, nên tôi muốn làm sao để chị em đỡ vất vả”, bà Vinh nói. Nhưng chính điều đó đã khiến những người chủ DN này khó khăn hơn rất nhiều vì phải tăng đầu tư, chi phí trong khi năng suất có thể giảm xuống. Bà Vinh cho biết đang cố gắng để chuẩn bị một nhà trẻ với đầy đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, chương trình dạy, giáo viên… để các nữ công nhân mang con tới gửi và yên tâm làm việc hay thu xếp lao động khi hàng loạt chị em cùng nghỉ sinh.

Một tay chèo chống sự nghiệp, một tay vun vén gia đình

Quá trình lập nghiệp được bà Thịnh “đúc kết” hình ảnh là “một tay chèo chống cho sự nghiệp, một tay vun vén gia đình”. Cho nên bà cho rằng, ngoài quyết tâm, phụ nữ làm chủ DN phải bản lĩnh hơn đàn ông.

Đơn cử như Tết vừa rồi, để động viên công nhân, DN của bà Thịnh hứa trả lương, thưởng trước Tết. “Để trả lương, thưởng tôi cần 6 tỷ đồng. Lương đã trả qua tài khoản còn thưởng chị em muốn lấy tiền mặt để không phải xếp hàng rút từ ATM. Nhưng khi đó, tôi mới thu xếp được một nửa số tiền ấy dù các đơn hàng đã xuất, song tiền vẫn chưa về”, bà Thịnh kể và nhớ lại, ngày 5/2 (27 Tết), dù đã có tờ khai (L/C) nhưng ngân hàng không chấp nhận cho vay. Chính vì thế, chiều 27 Tết, sau khi cầm cả sổ đỏ tài sản cá nhân ra ngân hàng vay tiền, bà đã phải gõ cửa thêm “trường hợp dự phòng cuối cùng” là người bạn thân để vay tiền trả thưởng cho công nhân. Ngày 28 Tết, tiền về tài khoản thì ngân hàng đóng cửa, bà lại chờ qua Tết khi ngân hàng làm việc trở lại để giải quyết vấn đề tài chính. “Trong 20 ngày đó, mỗi ngày tôi chỉ chợp mắt một vài tiếng, có ngày gần như không ngủ được. Xong Tết tôi mới nhẹ người”, bà Thịnh chia sẻ.

Cũng gặp khó khăn về vốn và một mình chạy đôn chạy đáo để thu xếp, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến (Vĩnh Phúc) kể, trung tâm của chị hiện đang liên kết với Tổng công ty Bình Minh để sản xuất quần xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cơ sở của chị Oanh hiện có 6.000m2 đất thuê dài hạn với 500 máy may.

Vì là đất thuê nên ngân hàng không chấp nhận cho vay vốn thế chấp bằng đất này, kể cả tài sản trên đất là nhà xưởng và máy móc, dù có những máy giá trị hơn 1 tỷ đồng. Chị Oanh đã phải dùng tài sản cá nhân thế chấp để xoay vốn, rồi vay mượn từ bạn bè. Hiện nay, để đáp ứng tiến độ sản xuất và yêu cầu của đối tác, chị Oanh phải thường xuyên đổi mới công nghệ, nhập máy mới trong khi vẫn phải ứng phó với bài toán thiếu hụt lao động do công nhân thường xuyên nghỉ thai sản. Mỗi lần như thế, chị Oanh lại đau đầu nhưng vẫn phải “chèo” cho trung tâm vượt qua khó khăn trong khi vẫn phải vun vén cho gia đình.

Nữ doanh nhân Tô Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty bao bì cao cấp Việt Nam cho hay, trong hiệp hội, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 70%, mà hiện các DN nhỏ còn phải lo mưu sinh cho công nhân từng bữa ăn, cuộc sống cho cả gia đình họ hàng tháng. Cho nên, theo bà Thảo “làm chủ một DN nhỏ vất vả hơn nhiều vì họ không có điều kiện để tuyển dụng đội ngũ nhân viên chuẩn chỉ bên dưới”, nhất là khi chủ DN là nữ vì còn phải trông chờ vào sự cảm thông chia sẻ của gia đình, chồng con.

Những khó khăn của phụ nữ làm DN “kể cả ngày không hết”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho hay. “Cho nên, nhân dịp mùng 8/3, tôi muốn chúc chị em hãy năng động sáng tạo, tâm thế vững vàng để hội nhập, xứng đáng là phụ nữ và doanh nhân nữ; với trí tuệ và tấm lòng mang lại cho các lao động nữ trong DN có cuộc sống và vị trí làm việc tốt hơn”, bà Vinh nhắn nhủ.

Theo Báo Giao thông