“Khát” lao động chất lượng cao

Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho biết, họ đang thiếu lao động chất lượng cao và không thể tìm đủ số lượng do nguồn cung đang thiếu. Trong khi đó, không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường vẫn bị thất nghiệp.

“Khát” lao động chất lượng cao
Học sinh, sinh viên rất cần được tư vấn, định hướng nghề nghiệp để khi ra trường có việc làm ổn định.

Báo cáo của trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực thành phố cho thấy, trong tháng 6, thị trường lao động thành phố có nhu cầu tuyển dụng 20.000 chỗ làm việc, trong đó nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCN - KCX) là 5.000 chỗ. Theo các nhà tuyển dụng, nhu cầu nhân lực tiếp tục theo xu hướng cần nhiều nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên việc tuyển dụng lực lượng này rất khó bởi nguồn cung lao động không đáp ứng được những nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Nhiều ngành nghề, lĩnh vực luôn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chất lượng cao như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo…
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nghịch lý của thị trường lao động TP Hồ Chí Minh là đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển.
Có hơn 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng chưa được trang bị tốt về chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ để tiếp cận công việc. Ngoài ra, bằng cấp cao không quyết định việc xin việc khó hay dễ mà nguồn nhân lực đó có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý Công ty MTEX Việt Nam (KCX Tân Thuận), cũng cho biết: “Hiện nay công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, công ty phải bỏ ra hàng trăm ngàn đô la để đưa người lao động đi đào tạo lại vì nguồn nhân lực tuyển vào không đáp ứng được nhu cầu công việc”.
“Một công ty chuyên về tin học của Nhật (ở KCX Tân Thuận), trước đây tuyển những kỹ sư tốt nghiệp từ trường Đại học Bách Khoa về, nhưng để những kĩ sư này làm được việc, công ty này phải đào tạo lại. Vì vậy, sau này để có nguồn nhân lực chất lượng cao, công ty đã phải gửi phần mền của doanh nghiệp cho nhà trường giảng dạy để nhà trường có thể đào tạo ra những lao động có trình độ phù hợp với vị trí cần tuyển dụng”, ông Nguyễn Văn Bé kể.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KCN-KCX TP Hồ Chí Minh, sở dĩ thị trường lao động đang vừa thừa vừa thiếu lao động là do chúng ta quá chú ý vào việc mở rộng đào tạo đại học, cao đẳng mà không chú ý mở rộng đào tạo nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn còn thích con mình trở thành những ông cử mà không biết người có tay nghề giỏi đang là vốn quý của xã hội, lương công nhân tay nghề cao bậc 6/7 hay 7/7 còn cao hơn lương kỹ sư có bằng đại học.
Một nguyên nhân khác, trường cao đẳng, đại học mở ra rất nhiều nhưng quá trình đào tạo chưa gắn kết với các doanh nghiệp. Vì vậy, đa số kiến thức được đào tạo trong nhà trường không áp dụng được vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa hai nhà là nhà trường và nhà máy (tức doanh nghiệp). Bởi, nếu các trường đào tạo nguồn nhân lực nhưng không gắn với doanh nghiệp thì sinh viên ra trường sẽ không có việc làm. Còn nhà trường đào tạo ra để cung cấp cho doanh nghiệp, xã hội nên các doanh nghiệp cũng cần tham gia cùng nhà trường trong quá trình đào tạo và như vậy cũng không phải chịu thêm chi phí đào tạo lại.
Mặt khác, cũng cần nâng cao tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tâm lý của người dân không nên quá coi trọng tấm bằng cử nhân mà quên mất việc trang bị nghề nghiệp chuyên sâu cho con em mình”, ông Bé cho biết.
Theo ông Trần Anh Tuấn, người lao động có chuyên môn kỹ thuật càng cao, có kỹ năng nghề cao thì năng suất lao động và thu nhập càng cao. Bên cạnh đó, người có chuyên môn kỹ thuật cao, có kỹ năng nghề tốt thì cơ hội tìm được việc làm tốt hơn và ít có nguy cơ thất nghiệp. “Chúng ta cần định hướng, phát triển có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp rõ ràng.
Ngoài ra, các trường đào tạo cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo để hạn chế việc đào tạo tự phát, không bảo đảm chất lượng gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp”, ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp. Làm chủ được các thiết bị, công nghệ hiện đại. Sử dụng được một ngoại ngữ trong chuyên môn, giao tiếp. Có kỹ năng xã hội: giao tiếp, ứng xử hợp tác, năng lực hoạt động sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp, có lương tâm nghề nghiệp và sức khỏe tốt.




Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm