“Khát” cán bộ quản trị nhân sự chuyên nghiệp

(Dân trí) - Mỗi năm nước ta có hơn 50.000 doanh nghiệp mới ra đời cùng với một con số đáng kể khác là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sự phát triển này càng làm khan hiếm nguồn cán bộ quản trị nhân lực vốn vừa yếu vừa thiếu trên thị trường lao động nước ta.

Đây là nội dung chính đặt ra trong cuộc Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực quốc gia và xây dựng mạng lưới cán bộ quản trị nhân sự do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa mới tổ chức.

 

Những cán bộ quản trị nhân sự được đòi hỏi ở đây là những người am hiểu về luật pháp, biết cách giải quyết hợp tình hợp lý giữa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Bởi vậy, việc thiếu hụt trầm trọng cán bộ quản trị nhân sự trong thời gian vừa qua đã làm thúc đẩy nhiều cuộc đình công, bãi công xảy ra. 

 

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, có tới 90% số các vụ đình công, bãi công thời gian qua là do chủ sử dụng lao động vi phạm quyền lợi của người làm công, trong số đó, có 80% là những vi phạm về tiền công, tiền lương. Qua kinh nghiệm thực tế, ông Chung khẳng định, nếu có một đội ngũ quản trị nhân sự tốt sẽ giảm tình trạng tranh chấp lao động giữa chủ sử dụng và người làm ngay tại gốc.

 

Điều đáng nói là tại cuộc hội thảo này, theo chương trình dự kiến là sẽ có sự tham dự của đại diện ngành GD&ĐT để báo cáo về định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia và đào tạo quản trị nhân lực trong các trường đại học. Tuy nhiên, họ đã không đến. Bởi vậy, những trăn trở bức xúc nhất của đại diện các doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn dệt may... về công tác đào tạo nhân lực quốc gia, đặc biệt trong vấn đề quản trị nhân sự đã không được làm sáng tỏ.

 

Lan Hương