1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khấm khá với nghề nuôi dơi lấy… phân

Nuôi dơi lấy phân, phân dơi 1 phần bán, 1 phần bón cho cây thiên lý để bán hoa. Đó là mô hình sản xuất độc đáo kiếm ra không ít tiền của vợ chồng chị Phạm Thị Liên ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh).

Khu sản xuất của gia đình chị Phạm Kim Liên nằm sát bìa rừng đặc dụng Di tích lịch sử Dầu Tiếng bên bờ hồ Dầu Tiếng. Chị là hội viên Chi hội nông dân ấp Phước An và là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình.

Tính kế nuôi dơi nơi đất khó

Chị Liên cho biết, nhà chị có 5 khẩu nhưng vỏn vẹn chỉ có 0,5ha đất thổ cư và đất sản xuất. Tiếng là ở gần hồ Dầu Tiếng, nhưng chân đất cao, không thuận việc lấy nước từ kênh thủy lợi nên việc trồng cấy chủ yếu làm vào mùa mưa và nhờ nước trời.

Chị Liên và chồng là anh Huỳnh Văn On ngày đêm trăn trở tính kế làm ăn lâu dài, bền vững mong cuộc sống gia đình khấm khá lên. “Anh On vốn dân gốc Tiền Giang. Một lần theo người thân xuống An Giang kiếm việc, thấy nhiều hộ ở đây có mô hình làm kinh tế độc đáo mà có tiền - đó là nuôi dơi lấy phân bán làm phân bón - anh muốn làm theo mô hình này…” - chị Liên nhớ lại.

Vợ chồng chị Phạm Kim Liên đang vệ sinh khu chuồng nuôi dơi. ảnh: L.T.C
Vợ chồng chị Phạm Kim Liên đang vệ sinh khu chuồng nuôi dơi. ảnh: L.T.C

Năm 2016, anh On đi xe máy vượt hơn 300km về An Giang học nghề. Trước khi về Tây Ninh, anh mua 10 cặp dơi về làm giống với giá 10 triệu đồng. Từ 10 cặp dơi giống ban đầu, sau gần 1 năm nuôi, đến cuối tháng 2.2017 số lượng dơi sinh sản lên hàng chục ngàn con. Tôi hỏi làm sao anh chị đếm được số lượng dơi? Chị Liên tiết lộ: “Khi dơi phát triển được 500 con, tôi hứng gom được 1 chén (1 bát) phân, khoảng tầm vài lạng. Nay mỗi ngày gia đình thu từ 5 – 7kg. Qua đó, mới ước lượng được đàn dơi có bao nhiêu con…”.

Để thu hoạch phân dơi, vợ chồng chị Liên dùng lưới căng phía dưới cách mặt đất chừng 0,5m. Phân dơi rớt xuống lưới rất thuận tiện cho việc gom hốt. Theo chị Liên, hiện phân dơi có giá 50.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi ngày vợ chồng chị có thêm 250.000 – 300.000 đồng từ phân dơi.

Lấy phân dơi trồng rau sạch

Đứng dưới “nhà dơi”, vợ chồng chị Liên phấn khởi kể rành mạch cách nuôi dơi. Anh On cho biết, từ kinh nghiệm của nông dân An Giang, để phù hợp với khí hậu nắng nóng miền Đông, anh thiết kế nhà dơi cao 7m, có 2 mái lợp tôn dựng trên 6 cây cột sắt mạ kẽm. Nhà cho dơi đậu để sống và sinh sản rộng 24m2 có treo 216 tàu lá thốt nốt cuống dài 20cm. Trên cuống lá khoan lỗ để xỏ thanh sắt phi 8 móc dưới mái tôn.

Từ mô hình của vợ chồng chị Liên, nuôi dơi lấy phân đang là một trong những mô hình hấp dẫn đối với nông dân xã Phước Ninh. Hội ND xã sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình này. Bà con mong muốn Hội ND cấp trên cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng mô hình nuôi dơi…” - Bà Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch Hội ND xã Phước Ninh

Không chỉ “khởi nghiệp” nuôi dơi lấy phân bán kiếm tiền, vợ chồng chị Liên còn dùng 1 phần phân dơi để trồng 0,5ha cây thiên lý lấy hoa. Theo tính toán của chị Liên, mỗi tuần vợ chồng chị thu hoạch 4 đợt hoa thiên lý, mỗi đợt bán 50kg cho thương lái ngay tại vườn.

“Trong dịp Tết Đinh Dậu, có thời điểm giá hoa lên 150.000 – 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, hoa thiên lý cho lãi 70%. Dễ làm giàu lắm!” – chị Liên “bật mí”.

Có tiền tích cóp, vợ chồng chị Liên còn trồng hơn 200 gốc chanh, lắp đặt hệ thống tưới tự động. “Năm nay, chanh cho trái đầu mùa, mỗi ngày thu hàng chục kg trái” -chị Liên cho hay.

Theo Danviet.vn