1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Huyện Sóc Sơn: Trên 84% lao động có việc làm sau học nghề

(Dân trí) - “Năm 2018, huyện Sóc Sơn có 2.087 lao động nông thôn được đào tạo nghề, đạt 87,18% so với nhu cầu. Tổng số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 84,86%”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh thông tin về kết quả thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện Sóc Sơn năm 2019.

Tổ chức 60 lớp đào tạo nghề

Báo cáo của huyện Sóc Sơn cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã được các cấp, các ngành, các đơn vị đào tạo nghề quan tâm triển khai thực hiện đạt tiến độ thời gian đặt ra, tuyển đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Huyện Sóc Sơn: Trên 84% lao động có việc làm sau học nghề - 1

Huyện đã lồng ghép chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mục tiêu của Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với chương trình học nghề cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học nghề cho người khuyết tật, chương trình nông thôn mới, chương trình khuyến nông, khuyến công và với các cương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong năm 2018, Sóc Sơn đã tổ chức được 60 lớp dạy nghề cho 2.087 lao động. Huyện cũng xây dựng được 3 mô hình điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 3 đến 4,5 triệu đồng/ người/ tháng.

“Các khóa đào tạo nghề đã cung cấp thêm kỹ năng, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất nông nghiệp cho lao động nông thôn huyện Sóc Sơn, qua đó góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động sau khi học nghề”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết.

Huyện Sóc Sơn: Trên 84% lao động có việc làm sau học nghề - 2

Để đông đảo người dân và lao động nông thôn biết đến chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đã được Sóc Sơn chú trọng quan tâm. Theo đó đã lồng ghép trong các Hội nghị về nông thôn mới, quán triệt tới cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn, các phòng, ban ngành, đoàn thể của huyện về chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm trên cơ sở danh mục nghề đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.

Việc đào tạo nghề cũng được quán triệt theo hướng linh hoạt về thời gian, địa điểm, đa dạng về phương thức tổ chức và thuận lợi về quy trình thủ tục để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

Huyện cũng đã ký hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện với 6 cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện đặt hàng. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên lập báo cáo thống kê số lượng giáo viên và trình độ giáo viên đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Phân công cán bộ kiêm nghiệm làm công tác đào nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Sóc Sơn cũng nhìn nhận công tác đào tạo nghề của huyện còn nhiều khó khăn vướng mắc. Địa bàn huyện rộng, huyên chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện công tác đào tạo nghề.

Các lớp học nghề chủ yếu được tổ chức theo đợt, rải rác tại các xã, thời gian đào tạo thực hiện linh hoạt theo mùa vụ và điều kiện học tập của người lao động. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn.

Huyện Sóc Sơn: Trên 84% lao động có việc làm sau học nghề - 3

Cùng với đó, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị còn hạn chế dẫn đến công tác xã hội hóa, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn.

Người lao động sau khi học nghề cơ bản vẫn tự tạo việc làm hoặc tự liên hệ tìm đơn vị tuyển dụng. Lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp sau khi học nghề cơ bản đều tự tạo việc làm, sản xuất nuôi trồng nhỏ lẻ tại hộ gia đình, không phát triển thành mô hình hợp tác xã được.

Năm 2019, huyện Sóc Sơn đặt mục tiêu số lao động được đào tạo nghề là 689 lao động, tỷ lệ lao động được tạo việc làm sau khi học nghề là 83,45%. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề sẽ được huyện triển khai như: Thực hiện điều tra, khảo sát thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng sau khi học nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn để tổ chức đào tạo.

Huyện Sóc Sơn: Trên 84% lao động có việc làm sau học nghề - 4

“Việc đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu lao động. Đồng thời phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và trình độ của người dân. Phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền từ khâu tuyên truyền, xác định nhu cầu học nghề, tuyển sinh, xây dựng kế hoạch, trô chức và quản lý đào tạo cho các đối tượng nông dân tham gia sản xuất ở nông thôn mới, vùng chuyên canh, có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, huyện Sóc Sơn sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về giải quyết việc làm và dạy ngề cho lao động nông thôn.

Lê Minh