Hưởng chế độ dôi dư khi cổ phần hóa thế nào?

Trường hợp phương án sử dụng lao động có danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt HĐLĐ thì căn cứ quy định để phân loại, rà soát thời gian làm việc, dự kiến thời điểm chấm dứt HĐLĐ, tính toán chế độ và kinh phí giải quyết chế độ đối với người lao động dôi dư.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Bùi Văn Ngọc, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số thắc mắc sau:
Công ty TNHH MTV X là công ty con của Tổng công ty, hạch toán độc lập, đã có nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức như sau:

- Công ty TNHH MTV X với xuất phát điểm thành lập là Công ty Nhà nước Y (công ty Nhà nước độc lập) được thành lập từ tháng 1/1990. Đến ngày 1/5/2008, Công ty được chuyển đổi thành Chi nhánh Z của đơn vị (hạch toán phụ thuộc của đơn vị), đến ngày 1/9/2015, trên cơ sở Chi nhánh Z, đơn vị đã thành lập Công ty TNHH MTV X và Công ty TNHH MTV X hoạt động từ đó đến nay.

Công ty TNHH MTV X đã được phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa với một số mốc thời gian dự kiến như sau: Thời điểm xác định giá trị Công ty là ngày 31/3/2019 và dự kiến thời điểm công bố giá trị công ty là ngày 30/9/2019, dự kiến thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty là ngày 1/1/2020. Với việc thay đổi mô hình tổ chức hoạt động như trên của Công ty TNHH MTV X thì doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi xác định thời điểm, xác định thời gian làm việc để tính toán chế độ đối với một số người lao động tại Công ty TNHH MTV X cụ thể như sau:

1. Ông Trần Văn A (ông A) sinh ngày 25/2/1966, đã làm việc tại Công ty Nhà nước Y từ 1/2/1993 và vẫn liên tục làm việc tại Chi nhánh Z và Công ty TNHH MTV X từ đó đến nay (ông A cũng có thêm thời gian làm việc tại Công ty Nhà nước M trước đó từ 1/5/1989 đến 31/1/1993). Ông A hiện được ký HĐLĐ không xác định thời hạn và được xác định là lao động dôi dư với thời điểm dự kiến chấm dứt HĐLĐ từ ngày 1/3/2020. Với trường hợp này thì thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào Công ty TNHH MTV X của ông A được xác định từ ngày 1/2/1993 có đúng không?

Với trường hợp ông A được xác định có thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng từ 1/2/1993 (nghĩa là trước ngày 21/4/1998), thì khi xây dựng phương án sử dụng lao động ông A sẽ thuộc trường hợp được hưởng chế độ lao động dôi dư theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 3 Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH (được hưởng trợ cấp mất việc làm và khoản hỗ trợ cho mỗi năm làm việc tại công ty với thời điểm chốt thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 30/9/2019 theo quy định tại Khoản 5 của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH) có đúng không?

Sau ngày 1/1/2020 (thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty), để trình cấp có thẩm quyền quyết toán chi phí dôi dư theo quy định tại Khoản 10 của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH, Công ty rà soát lại danh sách, tính toán lại chế độ… thì chế độ dôi dư đối với ông A có thay đổi gì không? Thời điểm chốt để xác định thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm để tính toán chế độ trên vẫn là ngày 1/1/2020 (thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty) hay phải là thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/3/2020 có đúng không?

Thời gian làm việc để tính toán chế độ chia phần còn lại của số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi đối với ông A đều được xác định từ thời điểm 1/2/1993 đến thời điểm xác định giá trị công ty là ngày 31/3/2019 có đúng không? Thời gian làm việc để tính mua cổ phần với giá ưu đãi đối với ông A được xác định từ thời điểm 1/5/1989 đến thời điểm xác định giá trị công ty là 31/3/2019 có đúng không?

2. Ông Đỗ Duy C (ông C) sinh ngày 25/2/1966 có thời gian làm việc tại đơn vị từ 1/4/1994 đến 31/12/2008, từ 1/1/2009 đến nay chuyển sang làm việc tại Chi nhánh Z và khi Chi nhánh X chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV X thì ông C vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty TNHH MTV X từ đó đến nay. Ông C được ký HĐLĐ không xác định thời hạn và được xác định là lao động dôi dư với thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/3/2020. Thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào Công ty TNHH MTV X của ông C được xác định từ ngày 1/4/1994 có đúng không?

Với trường hợp ông C được xác định có thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng từ 1/4/1994 (nghĩa là trước ngày 21/4/1998), thì khi xây dựng phương án sử dụng lao động ông C cũng sẽ thuộc trường hợp được hưởng chế độ lao động dôi dư có đúng không? Sau ngày 1/1/2020 (thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty), để trình cấp có thẩm quyền quyết toán chi phí dôi dư theo quy định tại Khoản 10 của Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH, Công ty rà soát lại danh sách, tính toán lại chế độ… thì chế độ dôi dư đối với ông A có thay đổi gì không?

Thời điểm chốt để xác định thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm để tính toán chế độ trên vẫn là ngày 1/1/2020 (thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty) hay phải là thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/3/2020? Thời gian làm việc để tính toán chế độ chia phần còn lại của số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi đối với ông A đều được xác định từ thời điểm 1/4/1994 đến thời điểm xác định giá trị Công ty là ngày 31/3/2019 có đúng không? Thời gian làm việc để tính mua cổ phần với giá ưu đãi đối với ông A được xác định từ thời điểm 1/4/1994 đến thời điểm xác định giá trị công ty là 31/3/2019 có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Khi thực hiện chuyển công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thì việc xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/8/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nêu trên.

Trường hợp trong phương án sử dụng lao động có danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt HĐLĐ thi căn cứ quỵ định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2015/NĐ-CP phân loại, rà soát thời gian làm việc, dự kiến thời điểm chấm dứt HĐLĐ, tính toán chế độ và tổng hợp nguồn kinh phí giải quyết chế đối với người lao động dôi dư.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP, Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH và nội dung hỏi của ông Bùi Văn Ngọc thì:

1. Trường hợp ông Trần Văn A sinh ngày 25/2/1966 được tuyển dụng lần cuối cùng vào Công ty nhà nước Y (nay là Công ty TNHH một thành viên X) ngày 1/2/1993 (trước ngày 21/4/1998).

Trước khi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty nhà nước Y, ông A có thời gian làm việc tại công ty nhà nước M từ ngày 1/5/1989 đến ngày 31/1/1993. Khi Công ty TNHH một thành viên X cổ phần hóa và không bố trí được việc làm mà phải cho ông A chấm dứt HĐLĐ, khi đó ông A được hưởng chính sách lao động dôi dư quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, khoản tiền hỗ trợ được xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH, từ ngày 1/5/1989 đến thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng.

2. Trường hợp ông Đỗ Duy C sinh ngày 25/2/1966 được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty nhà nước Y (nay là Công ty TNHH một thành viên X) ngày 1/4/1994 (trước ngày 21/4/1998), khi Công ty TNHH một thành viên X cổ phần hóa và không bố trí được việc làm mà phải cho ông C chấm dứt HĐLĐ, khi đó ông C được hưởng chính sách lao động dôi dư quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghi định số 63/2015/NĐ-CP. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, khoản tiền hỗ trợ được xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH, từ ngày 1/4/1994 đến thời điểm dự kiến chấm dứt HĐLĐ.

Thời gian làm việc để chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng của người lao động, Quỹ phúc lợi và mua cổ phần với giá ưu đãi được xác định theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 19, Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên và được tính đến thời điểm xác đinh giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Theo Chinhphu.vn