Hổng văn hóa nghề nghiệp: Khoảng cách chất lượng nhân lực
(Dân trí) - Có lao động VN đi làm việc ở xứ người với hành trang “3 không”. Tại các khu công nghiệp- chế xuất, nhà máy trong nước, nhiều lao động làm việc với tư tưởng thích đi muộn về sớm, coi thường thiết bị bảo hộ lao động, sẵn sàng bỏ việc khi không vừa ý.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội dạy nghề Việt Nam, mỗi năm Việt Nam đào tạo được khoảng trên 1,5 triệu lao động, tuy nhiên chất lượng tay nghề cũng như văn hóa ứng xử trong nghề nghiệp còn nhiều điều phải bàn.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận tình hình thực tại: Hiện Việt Nam mới chỉ chú trọng vào công tác dạy nghề chứ không thực sự sâu sát đến những kiến thức về văn hóa nghề. Do đó, lao động thiếu kiến thức để nhận biết, không có khả năng xây dựng và thích nghi với môi trường văn hóa nghề. Còn nhớ tại một hội thảo về văn hóa nghề được tổ chức hồi đầu năm 2010, rất nhiều ý kiến gay gắt về các hành vi có phần thiếu văn hóa nghề của lao động Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước. Có rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp, trong đó, đáng nhớ nhất là việc đưa bộ môn văn hóa nghề vào các giáo trình dạy nghề. Kết thúc hội thảo, ai cũng tin chắc một điều rằng tới đây lao động Việt Nam sẽ có những hành động đẹp, sẽ hiểu biết hơn nhờ được học văn hóa nghề. Tuy nhiên, nhìn lại 1 năm qua thì lao động Việt Nam vẫn thiếu văn hóa nghề, họ vẫn đang tiếp tục với những hành vi cẩu thả, tùy tiện như đã nêu ở trên.
Khi tìm hiểu về bộ môn văn hóa nghề trong các trường nghề mới vỡ lẽ đây chưa phải là một môn học bắt buộc trong chương trình khung của các trường nghề. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH chưa thực sự áp dụng nhiều thời lượng dạy cho học viên tác phong, ý thức nghề nghiệp, tình yêu với nghề… Do vậy, dù các trường nghề có muốn tập trung đào tạo văn hóa nghề cũng khó do chính sách, có sự phân phối chương trình đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam cho biết thời gian tới Hội sẽ thành lập trung tâm văn hóa nghề để khảo sát, nghiên cứu, từ đó có sự cụ thể hóa giáo dục chính trị, đạo đức đối với hệ thống các trường nghề để hình thành bộ môn văn hóa nghề. Theo bà Hằng, chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa với văn hóa nghề bởi chính những rào cản đó đã hạn chế nhiều các đơn hàng của Việt Nam, thậm chí nếu không xóa bỏ rào cản đó chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất thị trường lao động của chính mình và ngay trên thị trường nội địa.
D. Hải