Hơn 40% cán bộ thuộc diện tinh giản dự kiến tìm việc ở khu vực tư nhân
(Dân trí) - Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, 41,78% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm tinh giản có dự định tìm việc ở khu vực tư nhân, chỉ 30,03% chọn khởi nghiệp.
Hơn 30% cán bộ chọn khởi nghiệp
Mới đây, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM công bố kết quả khảo sát 56.591 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các sở ngành thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tại TPHCM, về việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.
Kết quả khảo sát cho thấy có 5.148 người thuộc nhóm “rời đi”, chiếm khoảng 9,1% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức tham gia khảo sát.

Công chức phường Hàng Bạc, TP Hà Nội (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Trong đó, hơn 40% nhóm "rời đi" làm việc tại khối phường/xã, 7,81% giữ vị trí lãnh đạo quản lý. Có 45,98% người phản hồi có dự định chuyển sang công việc mới phù hợp; 41,78% tìm việc ở khu vực tư nhân; chỉ 30,03% chọn khởi nghiệp.
Đáng chú ý, khi được hỏi về mức độ quan tâm đến các chính sách, nhóm này chú trọng nhiều đến trợ cấp và các quyền lợi tài chính gắn liền với việc nghỉ theo chế độ. Chỉ 67,87% người thuộc nhóm này quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng để tìm việc mới và 69,35% quan tâm đến hỗ trợ tìm việc làm.
Mức độ quan tâm đến chính sách cũng thay đổi theo độ tuổi, với tỷ lệ cao hơn ở nhóm dưới 40 tuổi và thấp nhất ở nhóm trên 50 tuổi.
Nhóm “rời đi” có tỷ lệ quan tâm cao nhất về mức trợ cấp (59,36%), chính sách hỗ trợ thêm của thành phố (58,62%) và điều kiện được hưởng (57,61%). Ngoài ra, 61,17% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản cho rằng cần ưu tiên đảm bảo quyền lợi từ thâm niên công tác.
Các nội dung như kết nối thông tin, phát triển dịch vụ hỗ trợ, đào tạo kỹ năng hay tư vấn tâm lý đều có tỷ lệ quan tâm dưới 50%. Chỉ 44,58% người “rời đi” ưu tiên được giới thiệu việc làm mới, 38,97% người muốn được hỗ trợ đào tạo nghề.
Rào cản lớn nhất đối với việc chuyển đổi của nhóm “rời đi” là khó khăn tài chính (41,07%), tiếp theo là thiếu kỹ năng làm việc trong khu vực tư nhân (35,49%).
Hỗ trợ cán bộ “rời đi” cần sự phối hợp đào tạo, định hướng chặt chẽ
Theo Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, mặc dù phần lớn quan tâm đến trợ cấp một lần, bảo lưu lương, phụ cấp…, vẫn có hơn một nửa số người phản hồi sẵn sàng học tập để thích ứng với nghề nghiệp mới.
Cụ thể, có 53,63% người sẵn sàng tham gia các chương trình học tập để thích ứng và chuyển đổi, với lý do chủ yếu là cần thu nhập (58,69%) và cần việc làm (57,96%).
Trong số những người muốn được đào tạo lại, kỹ năng được họ quan tâm nhiều nhất là kỹ năng số (68,74%), kỹ năng xanh (67,62%), tư duy sáng tạo và đổi mới (67,51%) và quản lý tài chính cá nhân (65,16%).
Ngành nghề được ưu tiên được giới thiệu và hướng đến làm việc sau này là hành chính - tổ chức (58,24%), giáo dục - đào tạo (58,53%) và dịch vụ khách hàng (55,7%).
Hình thức đào tạo phổ biến là kết hợp online và offline (45,38%) – trực tuyến và trực tiếp - đặc biệt đối với nhóm dưới 40 tuổi. Bởi nhóm lớn tuổi ưu tiên hình thức tự học online.

Công chức phường Lý Thái Tổ, TP Hà Nội (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Do đó, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng cần triển khai các chương trình đào tạo lại chuyên biệt, chú trọng kỹ năng thiết thực. Việc kết nối với doanh nghiệp tư nhân là cần thiết để thiết kế các chương trình phù hợp, tập trung vào kỹ năng nền tảng như làm việc linh hoạt, bán thời gian, từ xa hoặc khởi nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, các đơn vị cần nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho nhóm “rời đi”, như kỹ năng lập ngân sách, đầu tư an toàn, bảo hiểm, quản lý nợ để tránh rủi ro sau khi nhận các khoản trợ cấp.
Đồng thời, các đơn vị cần có chương trình định hướng nghề nghiệp và tư duy chuyển đổi, trang bị kỹ năng nhận diện cơ hội phù hợp và hiểu biết về thị trường lao động. Các chương trình đào tạo nên kết hợp online – offline, giáo trình dễ tiếp cận, có hướng dẫn cá nhân hóa theo độ tuổi và trình độ, với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và khởi nghiệp để tăng khả năng kết nối thực tiễn.