Hơn 300 chỉ tiêu tại Phiên GDVL dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp

“Phiên Giao dịch việc làm dành cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thu hút hơn 300 chỉ tiêu tuyển dụng với 14 doanh nghiệp. Thông qua Phiên GDVL, Trung tâm kỳ vọng tạo nguồn việc làm cho lao động địa phương và giảm sức ép về việc làm tại các khu vực trung tâm Hà Nội”.


Ứng viên tìm việc tại TT DVVL Hà Nội

Ứng viên tìm việc tại TT DVVL Hà Nội

Ông Lê Hải Anh - Phó trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Hà Nội, Sở LĐ-TB&XHXH Hà Nội) nhận định về Phiên giao dịch việc làm (GDVL) dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức sáng 18/5 tại phường Phúc Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội).

Nhiều cơ hội việc làm

Theo TT DVVL Hà Nội, Phiên GDVL thu hút 14 doanh nghiệp tham gia, với hơn 300 chỉ tiêu tuyển dụng ở các vị trí như nhân viên marketing, kỹ sư, thợ kỹ thuật, lao động phổ thông…

Đồng thời có hơn 700 lao động (gồm hơn 200 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và 500 lao động tự do, người lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp) đã tham dự tuyển dụng.

Theo ông Lê Hải Anh, Phiên GDVL dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp là mô hình mới, được tổ chức có tính cơ động ở các địa điểm ngoài trụ sở TT DVVL Hà Nội. “Bên cạnh việc tư vấn công việc cụ thể, chúng tôi sẽ định hướng cho người lao động các thông tin thị trường việc làm. Qua đó giúp họ tìm được việc làm. Cũng tại Phiên GDVL, TT DVVL cũng tư vấn về hỗ trợ học các nghề”.

Ông Lê Hải Anh - Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Hà Nội) nhận định về Phiên GDVL dành cho lao động hưởng BHTN

Nhận định về công tác kết nối cung - cầu, ông Lê Hải Anh nhấn mạnh vai trò của công tác kết nối thông tin việc làm và hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Trong khi đó, công tác hỗ trợ học nghề cho người lao động đôi chỗ hiệu quả chưa cao.

Lý giải điều này, ông Lê Hải Anh thẳng thắn cho biết: “Người lao động thất nghiệp có trình độ cao không thiếu tại Hà Nội. Họ cần học các kỹ năng mềm để dễ dàng quay lại thị trường lao động bằng chính nghề của họ một cách bền vững. Trong khi đó, các trung tâm dạy nghề mới chỉ chú trọng đào tạo ở dạng sơ cấp nghề, chưa nắm bắt với xu thế người học”.

Không thiếu việc làm

Đặc thù của Phiên GDVL sáng 18/5 dành cho ứng viên đã từng đi làm việc và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây cũng là điều được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, tham gia nhằm tìm được ứng viên có kinh nghiệm và trình độ.

Tham gia tuyển dụng, bà Đỗ Phương Lan - chuyên viên nhân sự một siêu thị lớn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - cho biết: “Để chuẩn bị cho dịp hè 2017, siêu thị có nhu cầu tuyển trưởng nhóm kinh doanh, kỹ sư điện lạnh và thợ điện lạnh có tay nghề cao”.

Bà Đỗ Phương Lan cho bật mí về mức khởi điểm đề xuất khoảng 10.000.000 đồng, thậm chí siêu thị có thể chấp nhận mức lương cao hơn nếu gặp ứng viên xuất sắc.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc công ty xây dựng Tuấn Hà (Hà Nội) tới Phiên GDVL nhằm tuyển trưởng phòng kỹ thuật - nói: “Các vị trí yêu cầu kinh nghiệm kinh qua quản lý rất khó tuyển. Ứng viên do có kinh nghiệm về nghề nghiệp và tự thẩm định được mức lương. Chưa kể các chế độ đãi ngộ khác. Do đó, chúng tôi cũng để ngỏ đề xuất đề lương thưởng với ứng viên có kinh nghiệm”.

Dù không tuyển vị trí quản lý, nhưng đại diện công ty trên cũng kỳ vọng sẽ nhận được các hồ sơ ứng viên vào vị trí nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật có trình độ.

Đánh giá về đặc thù tuyển dụng trên, ông Lê Hải Anh thừa nhận việc chọn được ứng viên có kinh nghiệm đi làm luôn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp.

“Bởi ứng viên ít nhiều đã đi làm và am hiểu thực tế. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ chấp nhận phải đàm phán lại mức lương, chế độ làm việc với những ứng viên. Tuy nhiên khi gặp được ứng viên ưng ý, doanh nghiệp chắc chắn sẽ không tiếc chi phí để thu hút ứng viên” - ông Lê Hải Anh nói.

Phan Minh

Tin việc làm:

Cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp

Về tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, so với quý 3-2016, giảm nhẹ cả số lượng và tỷ lệ, song đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên lại gia tăng…

tim viec

Đây là một nội dung trong Bản tin thị trường lao động quý 4/2016, vừa được Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐ-TB&XH công bố.

Theo đó, Quý 4/2016, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 7,7 nghìn người so với quý 3-2016, nhưng tăng 58,4 nghìn người so với quý 4-2015. Báo cáo của 64 Trung tâm dịch vụ việc làm do ngành LĐ-TB&XH quản lý, quý 4/2016 có 336 phiên giao dịch việc làm được tổ chức với 780 nghìn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có 242 nghìn lượt người nhận được việc làm. Đến hết quý 4/2016 cả nước có 11.062 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 20,3% LLLĐ, tăng 338 nghìn người so với quý 3/2016. Về triển vọng của thị trường lao động trong Quý 1/2017, Ban biên tập Bản tin nhận định: Thị trường tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng dự báo mức tăng trưởng GDP sẽ tăng 6,7% trong năm 2017.

H.M

Hà Nội: Sắp khai trương sàn giao dịch việc làm vệ tinh Đông Anh

Ngày 19/5, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), cho biết: Trong kế hoạch hoạt động năm 2017, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khai trương sàn giao dịch việc làm vệ tinh huyện Đông Anh vào ngày 27/5.

Hơn 300 chỉ tiêu tại Phiên GDVL dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp - 3

Được biết, Sàn giao dịch việc làm Đông Anh sẽ là 1 trong số 8 sàn giao dịch việc làm vệ tinh của thành phố được thực hiện trong năm 2017. Đây cũng là việc cụ thể hoá Quyết định số 4883/QĐ-UBND, ngày 22/9/2014 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt “Đề án tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn GDVL TP Hà Nội giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”. Dự kiến, Phiên giao dịch việc làm đầu tiên của Sàn sẽ thu hút gần 40 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng và đào tạo. Thống kê của Trung tâm cho thấy, trong số gần 40 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia phiên GDVL, số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm gần 60 %, nhóm tuyển dụng còn lại thuộc các ngành như vận tải, nhà hàng, sản xuất, dịch vụ bảo vệ…

V.L