1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 240 cuộc gọi đến Tổng đài 111 liên quan đến mua bán người

(Dân trí) - “Đã có 2.196 cuộc gọi đến Tổng đài 111, trong đó có 242 cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề phòng chống mua bán người (chiếm 11% so với tổng cuộc gọi đến)”. Có trường hợp nhờ sự hỗ trợ của Tổng đài, đã giải cứu kịp thời 5 nạn nhân khỏi bọn bắt cóc người lao động

Đây là kết quả hoạt động của Đường dây nóng phòng chống mua bán người (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) trong 11 tháng đầu năm 2019. Theo đó, số cuộc gọi đến Tổng đài 111 tăng 450 cuộc so với thời điểm cùng kỳ của năm 2018,

Hỗ trợ giải cứu kịp thời nạn nhân bị mua bán

Thông tin về trường hợp điển hình trong hỗ trợ giải cứu kịp thời nạn nhân, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Vào ngày 25/5/2019, Tổng đài 111 tiếp nhận cuộc gọi của chị Y.R dân tộc Ba Na và anh V.H.L (chủ nhà nơi chị Y.R làm giúp việc), thông báo về việc A.T (em họ chị Y.R, sinh năm 1996, ở thôn Playiklech- xã Ngọc Bay- Tp Kon Tum - tỉnh Kon Tum) bị bắt lên tàu đánh cá Đức Minh số hiệu KG95475TS.

Hơn 240 cuộc gọi đến Tổng đài 111 liên quan đến mua bán người - 1

Theo đó, sự việc xảy ra vào sáng ngày 24/5 khi nạn nhân ra bến xe miền Đông về Kon Tum viếng đám ma người thân. Thời điểm người nhà nạn nhân gọi đến Tổng đài thì tàu đang trên vùng biển Thổ Chu, Đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Nạn nhân bị đánh đập, bỏ đói và bắt làm việc.

Nạn nhân vẫn dùng được điện thoại nhưng điện thoại không có mạng và không có hệ thống định vị. Ngày 27/5, chủ thuyền gọi gia đình đòi tiền chuộc mới thả nạn nhân về.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Tổng đài 111 đã hướng dẫn gia đình làm đơn trình báo công an tỉnh Kon Tum, tỉnh Kiên Giang, bộ đội biên phòng Kiên Giang. Đồng thời thực hiện kết nối chuyển tuyến sang Cục Cảnh sát hình sự Bộ công an và Tổ chức Rồng Xanh.

Ngày 8/6 tổ chức Rồng Xanh đã phối hợp với Bộ đội biên phòng giải cứu thành công nạn nhân cùng 4 nạn nhân khác. Các nạn nhân đã trở về gia đình an toàn.

Hơn 11 % cuộc gọi liên quan đến mua bán người

Phân tích của Tổng đài 111 cho thấy có 242 cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề phòng chống mua bán người, chiếm 11% so với tổng cuộc gọi đến.

Trong đó, nội dung tư vấn chủ yếu tập trung vào các vấn đề, như: Việc phòng chống mua bán người, tư vấn tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình…

Hơn 240 cuộc gọi đến Tổng đài 111 liên quan đến mua bán người - 2

Số lượng cuộc gọi chuyển tuyến của 11 tháng đầu năm 2019 là 33 trường hợp. Trong đó, có 7 trường hợp chuyển tuyến sang các tổ chức phi chính phủ, 5 trường hợp chuyển tuyến sang Công an; 24 trường hợp chuyển tuyến đến cán bộ thuộc ngành LĐ-TB&XH.

Nội dung các ca chuyển tuyến chủ yếu liên quan đến giải cứu nạn nhân; thông báo và tìm kiếm người mất tích, nhờ can thiệp hỗ trợ nạn nhân trở về.

Gần 60% số người gọi đến là người dân

Theo thống kê, đối tượng gọi đến Tổng đài 111 phần lớn là người dân với 57,8%. Xếp thứ hai là người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán với 31,9%. Nhóm cán bộ địa phương, cơ quan báo chí trao đổi những thông tin liên quan đến phòng chống mua bán người chiếm 9,7%. Chỉ có khoảng 1,6% số người gọi tới tổng đài là nạn nhân của mua bán người.

Hơn 240 cuộc gọi đến Tổng đài 111 liên quan đến mua bán người - 3

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng thấp nhất với 5.9% tổng số cuộc gọi. Số liên lạc từ nước ngoài về đường dây nóng chiếm tỷ lệ không nhiều với 0,1 % cuộc gọi.

Phân tích về độ tuổi và giới tính người gọi, thống kê cho thấy, nhóm từ 26-40 tuổi có số cuộc gọi đến cao nhất, chiếm 46,5% trên tổng cuộc gọi đến; nhóm trên 41 tuổi chiếm 20,2%; nhóm trẻ em từ 11-14 tuổi chiếm 12,3%; nhóm tuổi từ 19 - 25 tuổi chiếm 8,8%; nhóm trẻ em từ 15-18 tuổi chiếm 7,9% và nhóm trẻ từ 0-10 tuổi chiếm 4,3%.

Trong năm 2019, thống kê về giới tính người gọi đến Tổng đài cho thấy đã có sự thay đổi lớn. Tỉ lệ nam gọi đến cao gần đấp đôi so với nữ (61,3% nam và 38,7% nữ). Trong khi số liệu cùng kỳ năm 2018 cho thấy: Tỷ lệ đối tượng nam và nữ gọi tới không chênh lệch nhau nhiều: Nam gọi tới chiếm 49.1%, nữ gọi tới chiếm 50.9% cuộc gọi.

Cũng theo kết quả thống kê, số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi Phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Lần lượt tiếp theo là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ tương ứng là 22,3%, 16,4% và 15,7%.

Phạm Hoài