1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 120.000 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do Covid-19

(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính tới 12/6, cả nước có 1.383 đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 121.505 người lao động, trong đó đơn vị thuộc ngành công nghiệp chiếm 11,3%.

Thắt chặt điều kiện hưởng

Ngoài lĩnh vực công nghiệp chiếm tới 11,3 % số đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lĩnh vực khách sạn và nhà hàng cũng chiếm 10,8% về số tiền và 8% về số lao động.

Việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chỉ là phương án tạm thời để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trước tác động của Covid-19.

Tuy nhiên nhờ áp dụng kịp thời, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chính sách cũng đã giúp duy trì việc làm và ổn định thu nhập cho hơn 121.000 người lao động trong điều kiện khó khăn.

Hơn 120.000 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do Covid-19 - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng tới người lao động tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Đánh giá chung của Bộ LĐ-TB&XH, về cơ bản, các chính sách hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh đã bao phủ tới các đối tượng (chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc,...), đảm bảo đúng đối tượng và mục đích đề ra.

Tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng tại các địa phương đã được phê duyệt, nhưng chưa thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ, có nhiều nguyên nhân: Do đối tượng có không có mặt tại địa phương, đối tượng trùng lặp, cần rà soát kỹ, một số địa phương còn thiếu kinh phí thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp giai đoạn tháng 3-4/2020, đặt ra yêu cầu trong thời gian ngắn phải có các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân.

Một số địa phương triển khai chậm, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát, do quá thận trọng, cầu toàn dẫn đến việc hỗ trợ đối tượng chưa kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ. Đặc biệt là nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, công nhân.

Thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều.

“Trên thực tế, chúng ta đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn ít”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Hơn 120.000 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do Covid-19 - 2

Trao tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 tại Hà Nội.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thiết kế các chính sách hỗ trợ Gói an sinh 62.000 tỷ, mục tiêu nhằm hỗ trợ chính xác các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, giảm sâu thu nhập, không hỗ trợ tràn lan, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu là tương đối chặt chẽ.

Đây cũng là một nguyên nhân số lượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động còn ít.

Thực tế cho thấy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội ngắn, các doanh nghiệp vẫn bố trí đảo, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động.

Doanh nghiệp còn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động. Trường hợp công nhân nghỉ việc đủ điều kiện thì đã được hỗ trợ theo chính sách trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều địa phương mở rộng đối tượng

Liên quan tới nhóm đối tượng chính sách, tính đến ngày 12/6/2020, cả nước đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng, trong đó người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,6 triệu người với tổng kinh phí là gần 11,7 nghìn tỷ đồng.

Hơn 120.000 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do Covid-19 - 3

Đối tương chính sách nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng ở Thái Bình

Tổng số tiền phê duyệt chi hỗ trợ cho các đối tượng tính đến hết tháng 5/2020 là 17,5 ngàn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải ngân 10.500,698 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh.

Nhận định chung của Bộ LĐ-TB&XH, việc triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời đã góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định tình hình chính trị - xã hội tại các địa phương. Chính quyền các cấp, người đứng đầu đã đề cao vai trò trách nhiệm, tập trung chỉ đạo ưu tiên kinh phí, ngân sách địa phương để triển khai hỗ trợ người dân.

Quá trình triển khai, một số tỉnh, thành phố đã chủ động tạm ứng ngân sách, mở rộng chi trả tới các đối tượng khác như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Quảng Ninh.

Theo đó, các tỉnh trên đã có nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố, chi hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng; hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giáo viên, nhân viên trường mầm non, phổ thông ngoài công lập với tổng số đối tượng hỗ trợ thêm 17.800 người, kinh phí thực hiện khoảng 19,1 tỷ đồng.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách, bằng cách xây dựng phần mềm riêng quản lý dữ liệu và lọc đối tượng tránh trùng lặp, phê duyệt danh sách theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố khi đủ điều kiện.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm trực tiếp, toàn diện cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các địa phương cần tiếp tục tập trung cao độ để triển khai thực hiện gói hỗ trợ này; bảo đảm việc chi trả hoàn thành xong cho tất cả các nhóm đối tượng trong tháng 6, tháng 7 năm 2020”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo thống kê của các Trung tâm Dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 10/6/2020, cả nước có 478.943 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết tháng 5/2020 là: 343.376 người (tăng 18,7% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019); với tổng số tiền là 6.028 tỷ đồng (bằng 128% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019).

Hoàng Mạnh