Hội nhập gắn liền với thách thức tăng năng suất lao động

(Dân trí) - “Kinh tế mở cửa đem lại cơ hội đầu tư, tham gia thị trường toàn cầu và tạo việc làm. Bên cạnh đó, những rủi ro đi kèm do các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn, người lao động và gia đình họ phải chịu sự biến động”.

Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, TS Chang-Hee Lee nhận định tại Hội nghị do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ LĐ-TB&XH đồng tổ chức sáng 24/10 tại Hà Nội.

Nội dung chính của Hội nghị là Chương trình nghị sự về đối thoại xã hội, năng suất lao động và điều kiện làm việc. Đây là những vấn đề trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập toàn cầu sâu rộng.


Hội nhập đòi hỏi người lao động phải tăng năng suất lao động (Ảnh có tính minh hoạ).

Hội nhập đòi hỏi người lao động phải tăng năng suất lao động (Ảnh có tính minh hoạ).

Quan sát của đại diện ILO tại Việt Nam cho thấy: “Chỉ trong một thế hệ, Việt Nam đã tự chuyển mình từ một trong những nền kinh tế bị cô lập nhất trở thành một trong những nền kinh tế có sự kết nối nhất, thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do”.

ILO nhận định, để một nền kinh tế mở cửa có thể duy trì tính cạnh tranh đồng thời đảm bảo sinh kế ổn định cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động, VN cần phải có một môi trường phát triển doanh nghiệp bền vững cũng như các thiết chế thị trường lao động linh hoạt nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của các cú sốc bên ngoài đối với đời sống của người lao động.

Được biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mà Việt Nam là một bên liên quan, yêu cầu Việt Nam phải cải tổ Bộ Luật Lao động và quan hệ lao động theo Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: “Đó là một thách thức không nhỏ của Việt Nam”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cảnh báo về tình trạng bẫy thu nhập trung bình. Theo đó, Việt Nam có thể không thoát được ra khỏi nền sản xuất thâm dụng lao động đem lại ít giá trị gia tăng và trả lương thấp cho lực lượng lao động không có kỹ năng.

“Trong bối cảnh như vậy, thúc đẩy đối thoại xã hội, tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện”- bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Boris Zürcher, Quốc vụ khanh, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, cho biết thêm: “Kinh nghiệm của Thụy Sỹ cho thấy đối thoại xã hội mạnh mẽ là cần thiết cho sự thịnh vượng của quốc gia. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cần cùng nhau tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất và đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, đây là “thời điểm thích hợp” cho Chính phủ Việt Nam, ILO và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức của người lao động và các đối tác xã hội khác, xem lại chính sách của mình để nâng cao năng suất và điều kiện làm việc. Qua đó thiết kế và thực hiện các chính sách hiệu quả hơn trong lĩnh vực này.

Chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn) được ILO triển khai tại Việt Nam, với số lao động từ các nhà máy tham gia chiếm hơn 20% tổng lao động trong ngành may mặc cả nước. Sau một thời gian đã đem lại những cải thiện đáng kể về điều kiện làm việc tại các nhà máy may mặc, đồng thời thúc đẩy hiệu suất kinh doanh thông qua việc tuân thủ tốt hơn luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Theo ILO, người lao động tại các nhà máy tham gia chương trình Better Work cho biết lương hàng tuần tang. Họ ít lo ngại hơn về việc phải làm tăng ca quá nhiều và vấn đề bị lạm dụng hợp đồng thử việc.

Đồng thời, các nhà máy nơi công nhân cho biết điều kiện làm việc được cải thiện, có lợi nhuận cao hơn tới 8%. Tính trung bình,các doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trên chi phí tăng 25% sau bốn năm tham gia Better Work.

Hoa Mạnh