1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hỗ trợ thanh niên nông thôn, khuyết tật lập nghiệp

(Dân trí) - Tại hội thảo góp ý cho “Chương trình tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi dự doanh nghiệp và lập nghiệp” của Trung ương Đoàn TNCS diễn ra sáng 3/7 ở TPHCM, nhiều đại biểu đề xuất TW Đoàn chú ý đến thanh niên nông thôn, khuyết tật.

Theo chương trình này, TW Đoàn sẽ sử dụng 120 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ thanh niên (TN) lập nghiệp, thành lập các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho số đông TN khác. Số liệu thống kê của TW Đoàn cho biết, hiện nay có đến 70% TN sống tại nông thôn và tỷ lệ thất nghiệp rất cao (trên 10%). 

 

TS Nguyễn Duy Đức - Phân viện trưởng Phân viện Cơ điện NN&CN sau thu hoạch Miền Nam - cho rằng: “Với thực trạng TN nông thôn thất nghiệp bỏ ra TP như hiện nay, chẳng mấy chốc mà nông thôn thiếu nhân lực, mất đi nét văn hóa truyền thống, đô thị thì mang thêm nhiều gánh nặng và tệ nạn. Đó sẽ là một vấn nạn lớn nếu chúng ta không giải quyết sớm ngay từ gốc bằng cách tạo công ăn việc làm cho TN nông thôn”.

 

Các đại biểu khác cũng đồng tình với ý kiến này. Nhà báo Vĩnh Thắng - Trợ lý Tổng biên tập báo Thanh Niên - cho rằng: “Trong khi chúng ta chưa đủ nguồn lực thì nên ưu tiên cho số đông, đó là TN thất nghiệp ở nông thôn”. 

 

GS.TS Huỳnh Văn Hoàng- Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Phương Nam, đề xuất Đoàn nên nghiên cứu thành lập các trung tâm hỗ trợ TN nông thôn xuất khẩu lao động để ra nước ngoài làm việc một thời gian, kiếm vốn trở về lập nghiệp. Đoàn sẽ làm với chi phí rẻ, hỗ trợ tối đa cho TN, hoạt động mang tính phục vụ và phát triển TN. Như thế tốt hơn là để cho các doanh nghiệp tư khai thác với mức phí vô lý bóc lột người lao động.

 

Còn TS Trần Công Hoàng Quốc Trang - Chủ tịch nhóm doanh nghiệp G18 - thì lo lắng về tình hình thất nghiệp của TN khuyết tật. Anh mong muốn TW Đoàn phải có biện pháp để tạo công ăn việc làm cho lớp TN này, bởi họ cũng là một bộ phận rất lớn trong TN. 

 

Anh bức xúc nhất là thái độ của xã hội đối với lực lượng lao động này. Anh chia sẻ: “Ở Hồng Kông thì đa số điện thoại viên của bưu điện là người khiếm thị. Nhưng chính tôi dẫn một em khiếm thị đi xin việc mà chẳng bưu điện nào chịu nhận, dù tôi hết lời giải thích là nghề này chỉ cần nghe và nói. Kết quả là em ấy đành đi bán vé số dù có trong tay bằng đại học”.

 

Về ý kiến này, TS Phạm Minh Tuấn, thành viên tổ công tác xây dựng đề án của chương trình, cho biết: “Trong chương trình này có hẳn một nội dung là tổ chức 30 khóa tập huấn cho TN khuyết tật. Và TN khuyết tật là một trong 4 đối tượng thụ hưởng chính của chương trình”.

 

Ngoài ra, chương trình này của TW Đoàn cũng sẽ tổ chức 5.000 khóa đào tạo tập trung cho khoảng 200.000 lượt TN có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp và TN là chủ doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới khoảng 200 giảng viên để đào tạo cho TN; xây dựng các chương trình đào tạo trực tiếp qua sóng truyền hình…

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Bí thư TW Đoàn, cho biết: “Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến trên của các đại biểu phía Nam và phía Bắc để hoàn thành đề án trình Chính phủ phê duyệt”.

 

Tùng Nguyên