1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hỗ trợ học nghề: Quyền lợi mà nhiều lao động "bỏ quên" khi thất nghiệp

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, người lao động hầu như chỉ quan tâm đến khoản trợ cấp hàng tháng mà "bỏ quên" các quyền lợi như: hỗ trợ học nghề miễn phí, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.

Trợ cấp thất nghiệp: Cần thỏa mãn cả 4 điều kiện

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khoảng thời gian thất nghiệp, khi có yêu cầu sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, để được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Theo quy định của Điều 49, Luật Việc làm, người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:

- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà được hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hỗ trợ học nghề: Quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên khi thất nghiệp - 1
Người lao động cần đáp ứng cả 4 điều kiện theo quy định để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ảnh: Phạm Công).

- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng, tính trước thời điểm người lao động nghỉ việc. Với hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng. Nếu là hợp đồng mùa vụ hoặc có công việc nhất định, thời hạn đóng bảo hiểm thất nghiệp phải từ 3 tháng trở lên cho tới 12 tháng.

- Người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm của 63 tỉnh thành toàn quốc.

- Người lao động sau khi đã nộp hồ sơ và không có việc làm sau 15 ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ sơ tại các trung tâm (trừ các trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, qua đời…).

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội - cho biết, người lao động phải có đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Cùng với đó, là các giấy tờ chứng minh đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Ví dụ như: quyết định nghỉ việc, quyết định sa thải, giấy tờ liên quan. Người lao động mang bản chính, bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, khi đến trung tâm dịch vụ việc làm.

Hỗ trợ học nghề: Quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên khi thất nghiệp - 2
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Người lao động cũng cần mang sổ bảo hiểm có xác nhận thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ vào đó, các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tính toán để người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo thời gian đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay được tính bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi mất việc. Và đây cũng là khoản hỗ trợ được người lao động quan tâm nhất khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Điều kiện được hỗ trợ học nghề

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, ngoài trợ cấp thất nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn bao gồm nhiều quyền lợi liên quan như: hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Điều 55 của Luật Việc làm, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng các điều kiện: đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở lao động thương binh và xã hội ở các tỉnh thành; người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.

Hỗ trợ học nghề: Quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên khi thất nghiệp - 3
Bà Vũ Thị Thanh Liễu (áo đỏ) tham gia tọa đàm chia sẻ về chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Báo Dân trí và Cục Việc làm phối hợp tổ chức (Ảnh: Hữu Nghị).

"Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên. Nhưng đối với hỗ trợ học nghề, người lao động chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng làm công tác thông tin tuyên truyền rất nhiều, để người lao động hiểu được rằng họ có những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định. Nhưng ít người biết đến chính sách này. Chúng tôi cũng có tư vấn nhưng nhiều người chưa quan tâm", bà Liễu cho hay.

Mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau:

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học.

- Với những lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.

"So với quy định trước đây là không quá một triệu đồng/tháng và không quá 6 tháng, mức phí mới đã giúp người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn trong công tác đào tạo nghề miễn phí cho người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp", bà Liễu nói.

Ngày 11/4, Báo Dân trí đã phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm "Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp - Giá đỡ với người lao động Việt". Chương trình giải đáp những vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Độc giả quan tâm, có thể xem lại tại đây.