TPHCM:

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Các công nhân tổ live-line phải làm việc ở độ cao hàng chục mét để sửa chữa, bảo dưỡng đường dây 22kV khi đang có điện. Chỉ một sai lầm nhỏ, người công nhân có thể trả giá bằng mạng sống.

Công nhân ngành điện "treo mình" sửa chữa đường dây 22kV mang dòng điện

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 1

Công nhân tổ live-line luôn đối mặt với nguy hiểm về tính mạng. 

Từ trước cho đến nay, nghề sửa chữa điện vốn được xem là vất vả và nguy hiểm. Người công nhân phải đu trên những cột điện cao chót vót, đối mặt với nắng gay gắt hoặc những cơn mưa bất chợt. 

Nhưng đối với công nhân tổ live-line, sự vất vả và nguy hiểm còn ở mức độ cao hơn nhiều. Vì họ phải làm việc trong điều kiện đường dây vẫn đang mang điện. Công việc đòi hỏi người công nhân luôn phải tập trung cao độ.

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 2

Trước khi bắt đầu làm việc, tổ công nhân live-line sẽ rào và đặt biển cảnh báo người dân không lại gần.

Vào một ngày cuối tháng 4, phóng viên đã chứng kiến đội live-line của Công ty Dịch vụ Điện lực TPHCM (Tổng công ty Điện lực TPHCM - EVNHCMC) làm việc và  thấm thía "sức nóng" của công việc này.

Đã có thâm niên 17 năm là công nhân ngành điện, trong đó làm việc trong tổ live-line được 8 năm, anh Nguyễn Thành Nhơn, Tổ trưởng tổ live-line 10 (Công ty Dịch vụ Điện lực TPHCM) hoàn toàn hiểu rõ những áp lực, khó khăn, sự hiểm nguy và mức độ nguy hiểm của công việc.

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 3

Cả tổ lên phương án để đảm bảo an toàn. 

Trước khi tiến hành sửa chữa, anh Nhơn cho các thành viên trong tổ lau sạch từng dụng cụ, phương tiện thật kỹ để đảm bảo an toàn trước khi tiếp xúc với lưới điện cao thế 22 kV.

"Công việc của người công nhân điện live-line là thi công, vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, lắp mới thiết bị trực tiếp trên các lưới điện 22kV, khi dòng điện vẫn còn đang chạy. Công việc này góp phần ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố về điện mà không cần phải cúp điện gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách hàng", anh Nhơn cho biết.

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 4

Tất cả công nhân trong tổ trước khi tiến hành sửa chữa điện sẽ làm vệ sinh, tiến hành lau dọn phương tiện, dụng cụ hỗ trợ. 

Một tổ công tác thường có ít nhất là 6 người, gồm: 1 chỉ huy tại chỗ và 5 công nhân để có thể luân phiên nhau làm việc, qua đó giúp công nhân điện live-line giữ được sức khỏe, sự tập trung, tính chính xác đảm bảo an toàn lao động.

"Làm việc với đường dây 22kV vẫn đang có điện là hiểm nguy luôn được cảnh báo từ trước. Công việc này, đòi hỏi sự chính xác 100%, không cho phép sai sót nào được xảy ra vì khi xảy ra sự cố thì người công nhân có thể phải trả giá bằng tính mạng, không còn cơ hội để rút kinh nghiệm", anh Nhơn tâm sự.

ảnh 4-2.jpg

Mọi vật dụng đều phải vệ sinh thật sạch sẽ để đảm bảo an toàn. 

Do tính chất công việc nguy hiểm và đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, người công nhân live-line buộc phải tuân thủ nhiều nguyên tắc an toàn bắt buộc, như: Luôn phải có 2 lớp cách điện, trong quá trình làm việc thì phải tập trung, không đùa cợt.

Khi thực hiện công việc nếu gặp khó khăn thì phải ngưng ngay lập tức và báo lại cho chỉ huy trực tiếp tại hiện trường để đưa ra ý kiến, biện pháp xử lý.

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 6

Công nhân tổ live-line có nhiệm vụ thi công, sửa chữa trực tiếp trên mạng lưới điện 22kV khi đang có điện. 

Mặc dù, có xe đặc chủng và các phương tiện, thiết bị hỗ trợ nhưng người công nhân chỉ được làm việc trên xe gàu từ 40 - 45 phút, sau đó sẽ phải xuống nghỉ ngơi. Hai công nhân khác sẽ tiếp tục công việc. Có như vậy mới có thể đảm bảo sức khỏe, độ chính xác cho những công việc tiếp theo.

Theo quy định, đội sửa chữa điện live-line sẽ chỉ làm việc vào những ngày thời tiết thuận lợi, không thực hiện vào ban đêm và khi trời mưa. Nhưng khối lượng công việc thì quá lớn, đòi hỏi các đội sửa chữa điện live-line sẽ phải hoạt động hết công suất để giảm thời gian mất điện cho khách hàng trên địa bàn thành phố.

Anh Nhơn chia sẻ: "Trong quá trình công tác, tôi đã có nhiều lần "sởn gai ốc" vì những sự cố, tính huống bất ngờ trên lưới điện. Vì vậy, lúc nào tôi cũng nhắc anh em là phải cẩn thận làm việc. Nếu có gì bất thường, anh em phải xuống đất báo với chỉ huy trực tiếp ngay lập tức để tìm phương án giải quyết chứ không được tự ý quyết định".

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 7

Nếu không cẩn thận thì có thể xảy ra sự cố gây nguy hiểm đến tính mạng của người công nhân. 

Chăm lo đời sống người lao động

Hiểm nguy nghề sửa chữa đường dây 22kV khi đang có điện - 8

Nhiều phần quà hỗ trợ, động viên công nhân tổ live-line trong những dịp lễ. 

Do đặc thù công việc, các công nhân tổ live-line cũng luôn được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Công đoàn cũng thường xuyên đến trực tiếp các đơn vị để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Những ý kiến về chuyên môn hay đời sống của người lao động đều được giải đáp.

Chia sẻ cụ thể về vấn đề trên,  ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty điện lực TPHCM cho rằng việc chăm lo đời sống công nhân người lao động là trách nhiệm của công đoàn công ty. Không riêng công nhân tổ live-line mà tất cả các công nhân ngành điện TP đều được quan tâm, hỗ trợ. 

Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, Công đoàn Tổng công ty điện lực TPHCM đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà tập thể, các đội, tổ trực tết, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đang điều trị có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp lao động nghỉ hưu,… với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng.