Hàng trăm công nhân may ngừng việc, đòi tăng lương công bằng

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sau giờ nghỉ trưa, hàng trăm công nhân của Công ty cổ phần Nam Thuận Nghệ An (đóng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã không vào xưởng làm việc.

Vụ đình công diễn ra vào đầu giờ làm việc buổi chiều 15/2, tại dây chuyền may của công ty. Bước đầu, 14 kiến nghị của người lao động được trình lên bộ phận quản lý, trong đó có vấn đề: Tăng lương không công bằng giữa các bộ phận khác nhau, yêu cầu tăng phụ cấp xăng xe, không trừ các khoản phụ cấp trong tháng một cách vô lý, không trừ tiền nghỉ phép vào tiền thưởng tháng 13...

Hàng trăm công nhân may ngừng việc, đòi tăng lương công bằng - 1

Hàng trăm công nhân không vào làm việc sau giờ nghỉ trưa.

"Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi được thông báo tăng lương, tính ra là mỗi người được tăng 184.000 đồng, lương cơ bản sau tăng là 3.864.000 đồng. Nhưng các bộ phận khác lại được tăng cao hơn, lên trên 5.000.000 đồng/tháng. Điều đó là không công bằng", một công nhân thuộc bộ phận may phản ánh.

Ngay sau khi xảy ra vụ đình công, ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu (Nghệ An) - đã tiếp thu kiến nghị của người lao động để sớm giải quyết vụ việc.
Đây là vụ đình công thứ 2 tại Diễn Châu kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Hàng trăm công nhân may ngừng việc, đòi tăng lương công bằng - 2

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Diễn Châu lắng nghe kiến nghị của người lao động.

Trước đó, vào ngày 7/2, gần 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) đã đình công, yêu cầu giải quyết 11 vấn đề liên quan đến tiền lương và các khoản phụ cấp.

Sau 6 ngày đình công, khi tất cả kiến nghị được công ty giải quyết, trong đó: Lương cơ bản được tăng 6%, phụ cấp thâm niên 30.000 đồng/tháng đối với công nhân làm việc từ đủ một năm, cứ mỗi năm cộng thêm 30.000 đồng/tháng, sáng 14/2, công nhân Công ty TNHH Viet Glory mới trở lại làm việc.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ đình công tại Công ty cổ phần Nam Thuận Nghệ An.

Hàng trăm công nhân may ngừng việc, đòi tăng lương công bằng - 3

Bước đầu đã có 14 kiến nghị của người lao động được trình lên bộ phận quản lý.