“Hàng tôm, hàng cá” nơi công sở
(Dân trí) - Cứ tưởng trong chốn văn phòng toàn những người ăn mặc lịch sự, ngồi làm việc bên những chiếc máy tính đẹp đẽ, điều hòa chạy ro ro sẽ không bao giờ xuất hiện cảnh cãi nhau, mắng chửi té tát như hàng tôm, hàng cá. Thế mà có đấy.
Sếp mắng nhân viên
Sếp nữ của phòng kia đúng thật là người đàn bà hét ra lửa. Lời của sếp nói ra khôn hồn đừng có cãi, bởi vì chỉ cần cãi một câu là sếp sẽ cho 1 mớ lí luận, lẫn lườm nguýt tới tận 10 câu. Thế nên nhân viên của phòng ấy toàn những người hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, gọi dạ bảo vâng, ngoan ngoãn nghe lời.
Nhưng ở đời thường thì con run xéo mãi cũng quằn, đâu phải 10 nhân viên thì tất cả đều hiền lành cả đâu. Bị mắng chửi mãi nào ai chịu được, và tất yếu là cả công ty đã được nghe đến một trận cãi nhau nảy lửa giữa sếp và một nhân viên nữ dưới quyền.
Chuyện là nhân viên đó là nhân viên mới vào, mới đang ở giai đoạn thử việc, chưa quen theo luồng công việc ở công ty mới mà đã bị một bà sếp hung hãn suốt ngày chửi bới, mắng vì làm việc chậm tiến độ, mắng vì làm sai cái này, cái kia, mắng vì bảo một đằng làm một nẻo… Vâng vâng dạ dạ mãi, nhưng cho đến đỉnh điểm là hôm đó sếp bảo: Chị chưa gặp 1 đứa nào làm việc như em, chị bảo em làm thế nào mà giờ em làm thế này? Em không coi chị ra cái gì nữa à? Em có phải đầu đất ngu xi không mà lại làm việc như thế… Bị chạm vào mạch tự ái vì bị người khác mắng là ngu trước cả phòng, nữ nhân viên đáp trả, khác hẳn với vẻ ngoan ngoãn ngày thường: Vâng, em ngu nên em mới vào làm việc trong công ty này. Chị có giỏi thì chị vào mà làm, những vấn đề phát sinh em đều báo lại cho chị rồi, chị chỉ có ngồi một chỗ biết cái gì mà lắm lời. Lời qua tiếng lại ồn ào cả một góc công ty, mặt mũi cả hai đều gay gắt. Cuối cùng giám đốc đột ngột xuất hiện thì cuộc cãi vả mới kết thúc, thiếu nước nhảy vào đánh nhau.
Sau vụ đó, nữ nhân viên kia xin nghỉ việc luôn. Sếp nữ bị giáng chức, vì cũng quá nhiều điều tiếng về việc chèn ép nhân viên của sếp, hơn nữa, một nữ trưởng phòng đạo mạo mà chỉ biết chửi bới, lớn tiếng quát nạt và đổ lỗi cho nhân viên thì cũng không xứng đáng làm sếp rồi, cho dù có giỏi đến đâu chăng nữa.
Nhân viên với nhân viên
Tính cách không ưa nhau, hầm hè nhau trong từng dự án, thế mà xui xẻo lại hay phải làm cùng nhau, đơn giản chỉ vì họ cùng ở một bộ phận. Mặc dù là một trai một gái, nhưng cứ lúc nào có dịp là sẽ to tiếng với nhau. Lúc thì anh bảo: tôi chả muốn tranh luận với cô, cô mới ra trường chả có kinh nghiệm gì mà cứ thích phát biểu lung tung. Nàng mồm năm miệng mười cãi lại: Em cũng không thích cãi nhau với anh, anh đã không biết gì thì đừng lên giọng phán xét. Mọi người cùng làm đến phải mệt mỏi với hai người, vì luôn phải nghe những lời chì chiết mỉa mai nhau của họ, có lúc lớn tiếng “tôi cô” như không còn ai ở trong phòng để họ cãi nhau tự do.
Có hôm chàng hầm hầm xông vào phòng, vứt toẹt tập tài liệu trước mặt nàng: cô làm ăn cái kiểu gì thế, tôi không bao giờ cùng làm với cô nữa.
Nàng: Ai khiến anh xía vô vào chuyện của tôi? Tôi không làm gì sai cả, anh đã xem xét kỹ chưa mà đòi lớn tiếng? Tôi không cần anh quan tâm đến công việc của tôi.
Cứ thế, họ cãi nhau hàng ngày, cứ có dịp là to tiếng cho dù đang ở văn phòng hay ngoài đường. Đến phải chuyển việc họ sang phòng khác, không gặp mặt nhau nữa thì văn phòng mới được yên thân.
Nhân viên và khách đến công ty
Tuy không phải là vì tình ái nhưng họ có những mâu thuẫn xích mích từ trước. Hai người ngày xưa vốn là hàng xóm sống cạnh nhau, nhưng rồi có một người chuyển đi sang khu khác và mất liên lạc, không ngờ giờ lại gặp nhau trong cảnh một người là khách đến công ty làm việc và một người nhân viên.
Cứ nghĩ vì công việc đang làm, hai người sẽ dằn lòng xuống mà không nghĩ đên chuyện thù hằn ngày xưa, nào ngờ ngồi được một lúc thì thấy hai người xông vào to tiếng, chửi bới lẫn nhau. Được một lát thì ai nấy đầu bù tóc rối, nhân viên bảo vệ phải chạy vào can ngăn và gọi xe taxi cho bà khách đi về.
Sau vụ đó, không ký được hợp đồng với khách hàng, nhân viên của công ty bị phạt thưởng 1 năm và cắt nhiều quyền lợi khác.
Dù mâu thuẫn là gì đi chăng nữa, trong công việc vẫn cần phải nghiêm túc và cẩn thận. Nếu chỉ vì nóng giận và những va chạm cá nhân mà lớn tiếng cãi vã hay xông vào đánh nhau thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường: mất việc, bị kỷ luật, mất cơ hội thăng tiến, bị đồng nghiệp coi thường và là hành động tự coi thường bản thân mình.
Uyên Nhi