1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàng chục người sập bẫy vì cú lừa "hiểm" của bác sĩ và nhân viên giữ xe

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trần Văn Quân và Trần Anh Tuấn thuê phòng tại Nhà khách công an tỉnh để tổ chức phỏng vấn, kí kết hợp đồng lao động nhằm tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho các nạn nhân...

"Chạy" việc giá rẻ

Trần Anh Tuấn (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) là bác sĩ trưởng thuộc một phòng tiêm chủng của Công ty vaccine Việt Nam có trụ sở ở thành phố Vinh, Nghệ An. Còn Trần Văn Quân (35 tuổi, trú thành phố Vinh, Nghệ An) là nhân viên cơ sở trông giữ xe tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến đầu năm 2021, Quân và Tuấn đã câu kết thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo nhắm vào những người có nhu cầu việc làm tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hàng chục người sập bẫy vì cú lừa hiểm của bác sĩ và nhân viên giữ xe - 1

Là nhân viên trông giữ xe tại một bệnh viện nhưng Trần Văn Quân "biến" thành Phó giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Hai bên thống nhất, Quân sẽ trực tiếp đi tìm người có nhu cầu xin việc vào cơ sở y tế, chuyển việc, chạy trường. Tuấn thuê người làm giả thẻ nhân viên, con dấu tên giả cho Quân với chức danh Phó giám đốc công ty nơi mình làm việc để thực hiện hành vi lừa đảo.

Với tấm thẻ và con dấu tên giả, "phó giám đốc" Trần Văn Quân tìm cách tiếp cận người có nhu cầu và hứa chạy việc cho họ vào các cơ sở do công ty sắp mở tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Mức giá "chạy việc" Quân đưa ra cho mỗi nạn nhân phụ thuộc vào trình độ, bằng cấp và nhu cầu việc làm, từ vài chục triệu đến hơn một trăm triệu đồng.

Trong quá trình đó, với vai trò "phó giám đốc phụ trách nhân sự", Quân tiếp cận anh K. (25 tuổi, trú tại Tương Dương, Nghệ An). Quân cho biết, công ty chuẩn bị mở trung tâm dinh dưỡng ở Nghệ An, cần tuyển dụng nhiều nhân sự, mức lương 8-10 triệu đồng và hỏi anh K. có nhu cầu đi làm không.

Khi người này đồng ý thì Quân báo giá chi phí xin việc là 40 triệu đồng. Do anh K. chưa có bằng cao đẳng đúng chuyên ngành, Quân yêu cầu đóng thêm 25 triệu đồng để "mua bằng".

Thuê nhà khách công an để tổ chức "phỏng vấn" tuyển dụng

Theo kịch bản đã vạch trước, sau khi tiếp cận và dụ dỗ được các lao động, thống nhất giá cả, Quân sẽ chuyển thông tin về cho Tuấn. Từ thông tin này, Tuấn thuê người làm các bản đánh giá kết quả phỏng vấn, hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động mang tên từng người.

Hàng chục người sập bẫy vì cú lừa hiểm của bác sĩ và nhân viên giữ xe - 2

Từng là bác sĩ, Trần Anh Tuấn tham gia màn kịch lừa đảo do Quân điều hành và bị trả giá bằng bản án 10 năm tù.

Để các bị hại không nghi ngờ, Quân tổ chức quy trình tuyển dụng như thật. Người đàn ông này thuê một phòng tại Nhà khách công an tỉnh Nghệ An để làm văn phòng và mời người lao động là người Nghệ An đến đây phỏng vấn. Những lao động này sau đó được đưa một bản hợp đồng in sẵn để ký kết và đinh ninh đúng thời hạn sẽ được đi làm.

Trong số các nạn nhân của Quân có người chị họ tên H., trú ở Hà Tĩnh. Nghe Quân giới thiệu làm Phó giám đốc nhân sự của Công ty vaccine Việt Nam, đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự ở nhiều vị trí cho các trung tâm dinh dưỡng, phòng tiêm chủng sẽ mở tại Nghệ An, Hà Tĩnh, chị H. tin ngay.

Quân nói ưu tiên người nhà nên bảo chị H. có anh em, bạn bè, người quen nào đang cần việc để giúp, chi phí từ 30-60 triệu đồng, tùy từng vị trí công việc. Chị H. tưởng thật nên đã giới thiệu thông tin cho 15 người.

Những người này sau đó đều tham gia phỏng và trúng tuyển. 8 người đã nộp cho chị H. 330 triệu đồng để chuyển cho Quân, 7 người khác nhờ chị H. đóng chi phí xin việc hộ, sau này đi làm, có lương sẽ trả lại.

Khi các lao động biết bị lừa và đòi lại tiền, chị H. phải bỏ tiền túi ra hoàn trả cho các nạn nhân. Tổng số tiền chị H. bị Quân chiếm đoạt là 660 triệu đồng.

Hàng chục người sập bẫy vì cú lừa hiểm của bác sĩ và nhân viên giữ xe - 3

Có 18 người trở thành nạn nhân của Quân và Tuấn.

Tương tự, vì nghe theo lời Quân, chị V.A. (trú ở Hà Tĩnh) đã nhận hồ sơ và tiền của 12 lao động cho Quân để xin việc. Số lao động này cũng được Quân tổ chức phỏng vấn công khai, công bố kết quả trúng tuyển và ký hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động.

Tỏ ra sòng phẳng, một trong số các ứng viên đã tham gia phỏng vấn và trúng tuyển xin rút hồ sơ, Quân hoàn tiền cho chị V.A. để trả lại cho người lao động. Tổng số tiền mà chị V.A. bị Quân chiếm đoạt là 580 triệu đồng.

Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy, bằng việc sử dụng các thủ đoạn gian dối để thực hiện 18 vụ lừa đảo, Trần Văn Quân và Trần Anh Tuấn đã chiếm đoạt của 18 bị hại để xin việc làm cho 51 người. Số tiền 2 đối tượng này chiếm đoạt là gần 3,7 tỷ đồng, trong đó Quân chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng, Tuấn hưởng lợi gần 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trần Văn Quân còn thực hiện 2 hành vi lừa đảo độc lập khác, chiếm đoạt của người có nhu cầu xin việc, chuyển ngành 1,4 tỷ đồng.

Phân hóa vai trò của từng bị cáo, trong phiên xử mới đây, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trần Văn Quân 16 năm tù, Trần Anh Tuấn 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài ra, tòa còn buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Hội thẩm nhân dân cho rằng, trong vụ việc này cũng có phần trách nhiệm của các bị hại và các lao động: "Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ngành y tế đều có quy định cụ thể các điều kiện về chuyên môn, trình độ, đăng tải chỉ tiêu tuyển dụng công khai. Trước hết, người lao động phải tự đánh giá mình có đủ điều kiện để ứng tuyển không, rồi gửi hồ sơ đến các cơ quan, đơn vị và trực tiếp tham gia thi tuyển, phỏng vấn chứ không thể "đi tắt", nhờ "chạy chọt"... Bản thân người lao động phải tìm hiểu và tỉnh táo để tránh bị lừa đảo".