Hai mục tiêu của người dân TPHCM khi ra nước ngoài làm việc

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhu cầu của người lao động TPHCM có ý định ra nước ngoài làm việc hiện nay không còn là xóa đói giảm nghèo nữa, mà là đi để làm giàu và định cư.

Không để doanh nghiệp "tự bơi"

Ngày 3/10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức tọa đàm Tạo nguồn lao động thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn TPHCM.

Hội nghị có sự tham dự của 84 đơn vị là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn TPHCM và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Bến Tre, Cần Thơ…

Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, nhấn mạnh đây là cơ hội để doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cùng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy giải pháp tạo nguồn lao động và đưa người lao động Việt Nam đi lao động tại các nước.

Hai mục tiêu của người dân TPHCM khi ra nước ngoài làm việc - 1

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Lê Văn Thinh, đi làm việc ở nước ngoài là cơ hội để nhiều lao động khó khăn thoát khỏi đói nghèo, đồng thời cũng là cơ hội để người lao động học thêm các kỹ năng mới ở các nước có trình độ sản xuất tiên tiến.

Do đó, ông đề nghị các đại biểu chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm thực tế để công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước được tốt hơn, giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động hơn.

Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 56 doanh nghiệp và 16 chi nhánh tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tính từ năm 2013 đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa 81.804 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, lao động có hộ khẩu thành phố là 13.453 người, chiếm tỷ lệ 16,45%.

Trong quá trình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp có nhiều phương thức tạo nguồn lao động, tuy nhiên công tác mang đến hiệu quả nhất là công tác kết nối của địa phương và các sở, ban, ngành.

Hai mục tiêu của người dân TPHCM khi ra nước ngoài làm việc - 2

Hội nghị thu hút 84 đơn vị tham gia (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, chính quyền Cần Thơ ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động này".

"Trước đây, hoạt động này để doanh nghiệp tự làm, cơ quan nhà nước chỉ quản lý, nắm thông tin. Nay Cần Thơ giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương phối hợp doanh nghiệp để làm, chứ không để doanh nghiệp tự bơi", ông Tiêu Minh Dưỡng nói.

Đi nước ngoài làm việc không chỉ là để xóa đói giảm nghèo

Góp ý tại hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Vconnect, đề nghị xem xét lại nhu cầu đi để xóa đói giảm nghèo có còn là nhu cầu chính của người lao động TPHCM không?

Hai mục tiêu của người dân TPHCM khi ra nước ngoài làm việc - 3

Bà Phạm Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Vconnect (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo bà Vân, tại TPHCM, công tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc luôn được ưu tiên nhưng số lượng lao động đi ít hơn nhiều so với các tỉnh thành khác là vì chưa xác định đúng nhu cầu của người lao động.

"Nhu cầu của người lao động TPHCM bây giờ không phải là xóa đói giảm nghèo mà là làm giàu và định cư. Chúng ta cần xác định rõ nhu cầu của người lao động để có định hướng phù hợp", bà Vân cho hay.

Chính vì vậy, công ty Vconnect đã có định hướng tìm kiếm thị trường có thu nhập cao hơn, phúc lợi tốt hơn các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bà Hồng Vân cho biết: "Hiện công ty đã triển khai được các đơn hàng đưa điều dưỡng sang Phần Lan làm việc. Lúc đầu việc tạo nguồn rất khó vì thị trường này ít ai biết. Nhưng khi đi được, thu nhập cao, được định cư, lao động được đưa gia đình theo thì nhiều người đăng ký đi, doanh nghiệp không giải quyết hết được nhu cầu".

Hai mục tiêu của người dân TPHCM khi ra nước ngoài làm việc - 4

Hiện các đơn vị đang tạo nguồn để đưa lao động sang các thị trường khó tính như Đức, Phần Lan... (Ảnh: Tùng Nguyên).

Còn bà Lê Thị Trúc Ly, Phó Tổng giám đốc Công ty Esuhai, thì kiến nghị các cơ quan quản lý điều chỉnh cách tuyên truyền, thay đổi tư duy của người lao động trong hoạt động này.

Theo bà Trúc Ly, phải định hướng cho người lao động là ra nước ngoài làm việc, đồng thời học tập kỹ năng và đem kỹ năng mới trở về đóng góp cho các ngành sản xuất trong nước chứ không chỉ đi để kiếm tiền. Có như vậy mới đạt được mục tiêu của hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Haio Education, thì chia sẻ khó khăn của những doanh nghiệp hoạt động chính thống là tìm nguồn lao động. Đôi khi, họ phải tìm nguồn từ những đơn vị trung gian, làm tăng chi phí cho người lao động.

Do đó, bà Hạnh đề nghị các doanh nghiệp có cùng tiêu chuẩn, tiêu chí đào tạo, tầm nhìn… nên liên kết với nhau, chia sẻ thông tin nguồn lao động để phát triển lĩnh vực này.

Hai mục tiêu của người dân TPHCM khi ra nước ngoài làm việc - 5

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Haio Education (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, khẳng định cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Ngược lại, ông cũng đề nghị doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà nước, với người lao động.

Đặc biệt, ông Thinh đề nghị doanh nghiệp đưa người lao động đi phải có trách nhiệm hỗ trợ quản lý, đưa người lao động về nước và tạo điều kiện cho họ phát triển kỹ năng đã học khi về nước.

"Doanh nghiệp đưa đi phải có trách nhiệm đưa người lao động trở về. Dưới góc độ nhà nước, nếu mình đưa đi mà không về, hoặc về mà không phát huy được kỹ năng họ đã học ở nước ngoài thì rất đáng tiếc", ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.