Thanh Hóa:
Hai lần xuất ngoại về thành tỷ phú, mở xưởng "nuôi" cả họ
(Dân trí) - Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Nhiều người lao động trở về có vốn, kinh nghiệm đã mở xưởng, công ty, tạo việc làm cho người địa phương.
Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động
Năm 2014 gia đình bà Lê Thị Mai (thôn 4, xã Đông Minh) còn là hộ nghèo. Được chính quyền địa phương định hướng, động viên cho con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), bà đã vay mượn tiền để con trai là Lê Văn Hùng sang Hàn Quốc làm việc.
Với bản tính cần cù, chịu khó nên chỉ sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, anh Hùng đã gửi được tiền về cho mẹ trả hết nợ. Đến năm 2015 thì gia đình bà Mai thoát nghèo.
Hiện nay, ngoài con trai, bà Mai còn có 2 con rể cũng đi XKLĐ, con gái cũng đang trong diện chờ gọi tên. Từ nguồn tiền XKLĐ các con gửi về, bà Mai mua đất, xây được 2 căn nhà, một nhà 3 tầng và một nhà 2 tầng, mở một cửa hàng tạp hóa để kinh doanh.
Tương tự như gia đình bà Mai, nhà bà Lê Thị Hiền cũng là hộ nghèo năm 2015. Nhận thấy nhiều gia đình có con em đi XKLĐ trở về thoát được nghèo, bà đã vay tiền ngân hàng chính sách cho con trai là Lê Văn Dũng đi Hàn Quốc. Một năm sau đó, gia đình bà thoát nghèo và 2 năm sau xây một căn nhà khang trang trên diện tích hàng trăm m2 đất.
Không chỉ thoát nghèo, nhiều người sau khi XKLĐ trở về đã mở xưởng, mở công ty, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Từ nguồn tiền tích góp trong thời gian đi XKLĐ tại Hàn Quốc mà vợ chồng anh Lê Trần Trung và chị Nguyễn Thị Tình (ở thôn 1, xã Đông Minh) đã mua được cả nghìn mét vuông đất mặt đường Quốc lộ 47 để xây nhà, dựng xưởng in, xưởng rèn, mua các máy móc, thiết bị, mở Công ty TNHH In và Quảng cáo Trung Tình, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động với mức từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.
"2 lần xuất ngoại đều "đầu quân" vào làm tại một công ty in và quảng cáo bên Hàn Quốc, chồng tôi đã học hỏi, đúc rút được kinh nghiệm. Khi về nước, vừa có vốn vừa có tay nghề, 2 vợ chồng quyết định thành lập công ty chuyên lĩnh vực in và quảng cáo, đồng thời mở thêm xưởng in, xưởng hàn để kinh doanh", chị Tình nói.
Cũng giống gia đình anh Trung, anh Lê Văn Xuân (thôn 3) cũng có 10 năm đi XKLĐ. Sau khi trở về, nhờ học hỏi kinh nghiệm được nghề cơ khí khi ở Hàn Quốc, anh đã mở xưởng và tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập 6-10 triệu đồng/tháng.
Được biết, năm 2015, toàn xã Đông Minh có hơn 30% hộ nghèo, đến nay xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân hơn 69 triệu đồng/người/năm.
Nguồn tiền lao động gửi về địa phương khoảng 42 tỷ đồng/năm
Theo bà Đỗ Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh, năm 2010, việc XKLĐ mới chỉ manh nha một số hộ, đến nay toàn xã có 326 lao động đang làm việc ở nước ngoài, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/tháng. Nguồn tiền người lao động gửi về địa phương mỗi năm khoảng trên 42 tỷ đồng.
"Nhận thấy đây là một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của XKLĐ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp XKLĐ về địa phương tuyển dụng lao động.
Đồng thời, địa phương cũng giao cho các hội đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh nắm bắt số người trong độ tuổi để khuyến khích, vận động họ mạnh dạn tham gia XKLĐ; tạo điều kiện giải quyết nhu cầu vốn vay cho đoàn viên, hội viên bằng kênh tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, vay quỹ tín dụng Nhân dân xã", bà Đỗ Thị Thương cho biết thêm.
Ông Lê Trọng Trung, Chủ tịch UBND xã Đông Minh chia sẻ: "XKLĐ không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, mà qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình.
Đáng chú ý, nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đầu tư, làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương".
Cũng theo ông Trung, nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ, kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức về mở xưởng, lập công ty, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.
Xã Đông Minh được huyện Đông Sơn chọn là một trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện xã đang tập trung các giải pháp nhằm nâng mức thu nhập của người dân lên 96 triệu đồng/người/năm và gấp rút hoàn thiện 14/14 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.