Hà Nội: Tiếp nhận hơn 76.000 lao động thông báo tình trạng việc làm
“Qua 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 76.378 lao động thông báo tình trạng tìm việc hàng tháng. Trung tâm dự thảo trình Sở LĐ-TB&XH ra quyết định xử phạt hành chính 90 trường hợp vi phạm quy định bảo hiểm thất nghiệp”.
Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (TT DVVL Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) trao đổi với PV Dân trí về tình hình triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hơn 22.000 lao động đề nghị hưởng TCTN
Thống kê của TT DVVL Hà Nội cho thấy, qua 6 tháng đầu năm 2017, có 22.643 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. TT DVVL Hà Nội cũng ban hành quyết định hỗ trợ học nghề cho 899 lao động, trong đó có 879 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Nếu so với cùng kỳ năm 2015 và 2016, số hồ sơ giải quyết BHTN của 6 tháng đầu năm 2017 lần lượt tăng 61 % và 25 %. Đặc biệt, số người có quyết định hưởng TCTN trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng tăng 32,2 % so với cùng kỳ năm 2016” - ông Nguyễn Toàn Phong phân tích.
Ông Lê Quang Trung - Cục Phó Cục Viêc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng BHTN
Cũng trong thời gian trên, TT DVVL Hà Nội đã hoàn thành quy trình hướng dẫn tiếp nhận và giải quyết xử phạt hành chính đối với người lao động có hành vi vi phạm BHTN.
TT DVVL Hà Nội đã dự thảo trình Sở LĐ-TB&XH ký 90 quyết định xử phạt hành chính, trong đó có 29 trường hợp đã hưởng BHTN năm 2015, 35 trường hợp hưởng BHTN năm 2016 và 26 trường hợp trong năm 2017.
“Qua quá trình tìm hiểu, đa số người lao động không cố tình vi phạm mà chủ yếu do một số lý do như: Không hiểu biết về quy định pháp luật BHTN, do công ty nơi người lao động ký hợp đồng lao động chưa đáp ứng kịp giấy tờ cho việc đăng ký BHTN, người lao động nhận hợp đồng lao động muộn từ phía công ty nên không xác định được thời điểm ngày có việc làm…” - ông Nguyễn Toàn Phong giải thích.
Phân tích về công tác thông tin BHTN, lãnh đạo TT DVVL Hà Nội cho biết: Trung tâm đã cử cán bộ đến tuyên truyền chính sách BHTN trực tiếp tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đồng thời tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp và khai thác thông tin tuyển dụng tới doanh nghiệp qua email, điện thoại…
Cần điều chỉnh về chính sách học nghề
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, qua 6 tháng đầu năm 2017, 899 nhận quyết định hỗ trợ học nghề. Số liệu này tăng 12,32% so với cùng kỳ năm 2016.
“Tại TT DVVL Hà Nội, thời gian giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được rút ngắn từ 20 ngày, sau thành 17 ngày và hiện nay là 3 ngày. Đồng thời, Trung tâm cũng rút ngắn thời gian giải quyết đối với công tác hỗ trợ học nghề cho lao động từ 12 ngày xuống còn 11 ngày” - ông Nguyễn Toàn Phong nói.
Tuy nhiên, khảo sát của TT DVVL Hà Nội cũng cho thấy, nhiều trường hợp lao động đã đăng ký học nghề nhưng không đến nhận quyết định hỗ trợ học nghề, người lao động đã nhận quyết định hỗ trợ học nghề nhưng không tham gia khoá học nghề.
“Nguyên nhân chủ yếu do người lao động tìm được việc làm mới trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề nên chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và không thể tiếp tục tham gia khoá học nghề theo quy định” – ông Nguyễn Toàn Phong nói.
Đại diện TT DVVL Hà Nội cho biết vẫn có tình trạng người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hứng thú với chính sách hỗ trợ học nghề. Theo đó, Hà Nội có số lượng lao động thất nghiệp nhưng trình độ học vấn cao ở bậc cao đẳng, đại học.
“Khi thất nghiệp, người lao động không có nhu cầu học các nghề có tính phổ thông để chuyển đổi nghề nghiệp. Thay vào đó, họ muốn học nâng cao trình độ kỹ năng làm việc hoặc kỹ năng mềm, các khoá học chuyên sâu mới tìm được việc làm bền vững”- ông Nguyễn Toàn Phong phân tích.
Tuy nhiên, những quy định về tổ chức đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm cũng như công tác thanh quyết toán các khoá học này đối với lao động tham gia BHTN chưa có hướng dẫn cụ thể, ảnh hưởng tới công tác phối hợp thực hiện.
Hoàng Mạnh
Tin việc làm:
Hà Nội: Người lao động được đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại 6 điểm tiếp nhận
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), toàn thành phố hiện có 6 điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết đăng ký bảo hiểm thất nghiệp: Yên Hòa, Bách Khoa, Đông Anh, Long Biên, Sóc Sơn và Hà Đông.
Nhận định chung cho thấy, các điểm tiếp nhận được bố trí với vị trí địa lý hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc giải quyết các thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. “Đại đa số người lao động đến giao dịch công việc đều hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ và tinh thần làm việc của đội ngũ viên chức, nhân viên Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội” - ông Nguyễn Toàn Phong nói. Thống kê của TT DVVL Hà Nội, đối tượng lao động có số lượng nghỉ việc cao nhất là nhân viên chuyên môn sơ cấp, nhân viên kỹ thuật làm việc tại văn phòng, bàn giấy chiếm 44,38%; lao động giản đơn chiếm 25,10; công nhận kỹ thuật 8.649 người (chiếm 21,45 %). Được biết quy trình xử lý 1 cửa đã hỗ trợ người lao động nhiều khi tới đăng ký thủ tục thất nghiệp. Trung tâm đã rút ngắn kết quả thủ tục hành chính, theo quy định là 15 ngày làm việc, nhưng sau khi rà soát lần 1 đã rút ngắn 3 ngày, còn 12 ngày, rà soát lần 2 xuống thêm 01 ngày, nay còn 11 ngày.
V.N
TP HCM cần 139.000 lao động trong 6 tháng cuối năm 2017
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi, Sở LĐ-TB&XH TP HCM), thành phố cần 139.000 chỗ làm việc trong 6 tháng cuối năm 2017.
Phân tích của Falmi cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2017 tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2017. Nguyên nhân sâu xa là do tình hình kinh tế thành phố tiếp tục ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, tạo động lực cho thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển. Trong quý IV/2017, do tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, dịp lễ -Tết, đồng thời chuẩn bị phát triển sản xuất năm 2018, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cho công việc ổn định và việc làm thời vụ - bán thời gian, tập trung ở các nhóm ngành nghề như, dệt - may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xây dựng, du lịch, nhân viên chăm sóc khách hàng, bảo hiểm…
Theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ cao đẳng - đại học trở lên chiếm 19,33%, trung cấp chiếm 13,70%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 21,18%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 27,30%.
V.Đ