Hà Nội: Thợ vẽ tranh kiếm tiền triệu dịp cận Tết
(Dân trí) - Càng sát ngày Tết, nhu cầu trang trí nhà của người dân Hà Nội tăng cao. Đây là lúc những người thợ vẽ tranh bận rộn hơn bao giờ hết với"đứa con" tinh thần. Thu nhập của họ cũng vì thế được tăng lên.
Một ngày nhận tới... 3 công trình
Hôm nay, anh Phạm Văn Trọng (Hà Đông, Hà Nội) đang miệt mài "thổi hồn" với bộ tranh vải tứ quý cho kịp sang tuần bàn giao cho khách. Dịp cuối năm là thời điểm làm việc hết công suất của người thợ có trên 3 năm làm nghề vẽ tranh này.
"Cứ vào thời điểm này, nhiều gia đình có nhu cầu trang trí nhà cửa đón xuân. Có ngày tôi nhận tới 3 công trình", anh Trọng cho hay.
Theo anh Trọng, vẽ tranh tường là mảng có nhiều khách đặt bởi đáp ứng được thị hiếu của nhiều người. Bên cạnh đó, mang tính nghệ thuật cao như tranh vải đòi hỏi công phu hơn, giá thành vì vậy cũng cao hơn.
"Đối với thể loại tranh vải, bức tranh đẹp đòi hỏi thợ phải tập trung tỉ mỉ nhất. Đôi tay khéo léo kết hợp với óc sáng tạo miễn làm sao tả cho sắc nét từng góc cạnh", anh Trọng chia sẻ.
Khác với anh Trọng, anh Trần Văn Soát (Thường Tín, Hà Nội) chỉ tập trung vào mảng vẽ tranh tường. Công việc trang trí 1 quán trà chanh vừa hoàn tất, 5 ngày tới anh Soát cùng đồng nghiệp lại tiếp tục đi vẽ phong cảnh tại một công trình ở tỉnh Bắc Ninh.
Nói với PV, anh Soát cho rằng, tranh tường tuy không cầu kỳ như tranh vải nhưng cũng phải đòi hỏi người thợ vất vả bỏ ra nhiều công lao mới hoàn thành như ý muốn của khách hàng.
"Khi nhận công trình mà tường gồ ghề, tôi phải mất thêm công đoạn làm sạch bóng sao cho được phẳng phiu. Sau đó, phải căn chỉnh bố cục hài hòa sao cho hình ảnh bắt mắt, đảm bảo được tính logic", anh Soát chia sẻ.
Theo anh Soát, giá thành vẽ tường dao động từ 250 - 600 nghìn đồng/m2 tùy theo kiểu vẽ dễ hay khó. Tháng cao điểm dịp cuối năm, anh Soát có thể kiếm được từ 40-50 triệu đồng/tháng.
Nghề kén người
Tự nhận mình vào nghề bằng "tay ngang", anh Phạm Văn Trọng tâm sự đã phải cố gắng rất nhiều để những "đứa con" tinh thần đáp ứng của được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách.
Những ngày đầu, anh Trọng tự mày mò tìm hiểu trên Internet rồi bắt chước theo. Vẽ hỏng, anh lại bỏ đi làm lại từ đầu. Có khi say sưa quá, anh quên cả ăn tối.
"Thời gian đầu mới vào nghề rất khó khăn, gia đình phản đối kịch liệt. Thậm chí tôi còn bị gọi là gàn dở. Tiền vốn đầu tư dụng cụ không có, lắm lúc tôi nghĩ cũng buồn nản", anh Trọng tâm sự.
Nhưng với sự động viên của bạn bè, anh Trọng như được tiếp thêm động lực để theo đuổi đam mê. Nói về dự định sắp tới, anh Trọng sẽ nhận đào tạo các học viên muốn theo nghề và thành lập công ty vẽ tranh chuyên nghiệp.
Nhận bằng tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa ở 1 trường Đại học ở Hà Nội, anh Trần Văn Soát bắt đầu theo đuổi đam nghề vẽ tranh tường. Giống với anh Phạm Văn Trọng, anh Soát cũng phải phải mất vài năm đầu quân cho 1 công ty vẽ tranh trên địa bàn thành phố để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Sau 5 năm nỗ lực phấn đấu, giờ đây anh Soát đã có thể tự đứng ra làm riêng. Nhờ các mối quen, anh Soát cho biết công việc không lúc nào rảnh rỗi.
Bên cạnh đó, nhận thấy xu hướng ngày càng tăng của khách hàng, anh Soát cùng các đồng nghiệp của mình còn tích cực quảng bá sản phẩm của mình lên mạng xã hội để nhiều người biết đến hơn.