1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội siết chặt quản lý các trung tâm giới thiệu việc làm

(Dân trí) - Chiều qua 24/10, trong buổi họp báo tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc Sở, đã đưa ra lộ trình siết chặt quản lý đối với loại hình dịch vụ luôn đắt đỏ nhưng ngày càng gây thiếu thiện cảm nơi các vị “thượng đế”: Trung tâm giới thiệu việc làm.

Ngày 10/10, UBND thành phố Hà Nội ra kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm (GTVL). Theo đó, kể từ ngày 1/11/2006 đến ngày 30/1/2007, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp nhận Hồ sơ của các Trung tâm GTVL và các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có chức năng GTVL để tiến hành thẩm định việc thành lập, chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thành lập các Trung tâm GTVL và cấp giấy phép hoạt động GTVL cho các doanh nghiệp.

 

Đối với việc thành lập các trung tâm GTVL, cần hội đủ 4 điều kiện sau:

 

Thứ nhất, có địa điểm và trụ sở làm việc ổn định từ 36 tháng trở lên kể từ ngày Trung tâm được thành lập mới hoặc được thành lập lại theo quy định, nằm ở vị trí thuận lợi cho việc giao dịch trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động, có đủ diện tích làm việc cho nhân viên của trung tâm theo quy định của Nhà nước cũng như cho việc giao dịch và hoạt động tư vấn.

 

Thứ hai, có các trang thiết bị và phương tiện làm việc phù hợp với từng nhiệm vụ. Nếu có hoạt động dạy nghề thì phải có các trang thiết bị và phương tiện dạy nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Thứ ba, có ít nhất 5 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ; mỗi chuyên ngành phải có ít nhất 1 người. Người được tuyển dụng vào Trung tâm phải là người có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, rõ ràng.

 

Thứ tư, trung tâm dự kiến thành lập hoặc thành lập phải phù hợp với quy hoạch hệ thống trung tâm GTVL trên địa bàn đã được chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt.

 

Đối với các trung tâm GTVL do UBND thành phố quyết định thành lập thì giám đốc trung tâm lập hồ sơ đề nghị thành lập lại theo quy định, gửi Sở LĐTB&XH để thẩm định trình UBND thành phố chấp thuận việc thành lập trung tâm theo quy định. Đối với các Trung tâm GTVL thành lập sau ngày Nghị định 19 của Chính phủ có hiệu lực, điều kiện thủ tục thành lập trung tâm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20 của Bộ LĐTB&XH.

 

Đối với các doanh nghiệp có chức năng hoạt động GTVL cũng cần phải đáp ứng nhiều điều kiện hết sức nghiêm ngặt. Cụ thể như, ngoài những điều kiện về địa điểm, trụ sở làm việc, số lượng nhân viên theo quy định đối với các trung tâm GTVL, các doanh nghiệp này cần có ít nhất 300 triệu đồng ký quỹ tại Ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.

 

Các doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng giới thiệu việc làm thì giám đốc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp giấy phép gửi Sở LĐTB&XH xem xét và cấp giấy phép. Chỉ sau khi được Sở LĐTBXH cấp giấy phép hoạt động, doanh nghiệp mới được hoạt động GTVL.

 

Đối với các doanh nghiệp mới thành lập nếu có nhu cầu đăng ký hoạt động GTVL sau khi cấp giấy chứng nhận đang ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn đến Sở LĐTB&XH để làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động GTVL theo quy định.

 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hội đồng thẩm định của Sở LĐTBXH sẽ có câu trả lời chính thức cho các tổ chức, doanh nghiệp việc: đủ hay không đủ điều kiện thành lập mới hoặc thành lập lại theo quy định của pháp luật.

 

Trả lời với báo chí về hướng xử lý đối với những đơn vị đến sau thời điểm 30/1/2007 không có đủ điều kiện thành lập hoặc tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực GTVL, bà Phương cho biết: đối với trường hợp các trung tâm dịch vụ việc làm nếu đến thời điểm đó vẫn không đủ các điều kiện, Sở sẽ tham mưu với thành phố không cấp phép thành lập lại. Khi đó, những đơn vị này sẽ phải chuyển hướng sang hoạt đông khác như dạy nghề, dịch vụ sản xuất.

 

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm, điều này cũng đồng nghĩa với việc không được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này nữa. Bà Phương cũng cho biết thêm, dự kiến tháng 2/2007, Sở LĐTB&XH sẽ kết hợp cùng các ban ngành có liên quan sẽ tiến hành tổng kiểm tra, rà soát cả hai hệ thống dịch vụ việc làm kể trên, nếu phát hiện cơ sở nào không có giấy phép sẽ buộc ngừng hoạt động và kiến nghị hình thức xử lý.

 

Trả lời về vấn đề thu phí khá tuỳ tiện đang diễn ra phổ biến tại các cơ sở dịch vụ việc làm hiện nay, bà Phương thừa nhận: việc các cơ sở giới thiệu việc làm thu phí “hai mang” (của đơn vị có nhu cầu tuyển lao động lẫn người lao động) là có. Đây là vấn đề rất bức xúc trong dư luận bấy lâu nay và Sở đang đề nghị với Bộ Tài chính sớm đề ra mức phí cụ thể, hợp lý nhằm chấn chỉnh tình trạng trên.

 

Phạm Hưng - Thái Sơn