Hà Nội: Người lao động chọn nhiều cách bươn chải vì dịch Covid-19

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến hơn 165.000 công nhân lao động ở Hà Nội mất hoặc thiếu việc làm. Nhưng từ nghịch cảnh, nhiều người đã chủ động tìm hướng đi mới, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Chia sẻ từ những công nhân khởi nghiệp

Công nhân... khởi nghiệp

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, đến nay trên địa bàn Thành phố đã có 4.204 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, với 165.007 người lao động bị chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm.

Tuy nhiên với một số công nhân, khó khăn này lại tạo ra hướng đi mới. Nhiều người đã tìm cho mình con đường khởi nghiệp riêng.

Sau 6 năm làm công nhân cho một công ty ở KCN Bắc Thăng Long, anh Nguyễn Văn Chiến 30 tuổi, quê ở Hiệp Hoà, Bắc Giang vừa mở được một quán ăn nhỏ nằm cạnh KCN Bắc Thăng Long, trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Hà Nội: Người lao động chọn nhiều cách bươn chải vì dịch Covid-19 - 1

Anh Nguyễn Văn Chiến mở quán ăn vặt vào đầu tháng 9 vừa qua

Thiếu việc làm do dịch Covid-19 đã thôi thúc anh phải làm gì đó để trang trải cuộc sống. Không ngờ, cuộc sống của anh ổn định hơn với lựa chọn mới.

Anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Sau khi nghỉ việc, tôi cũng thử chạy Grab và lái xe thuê thế nhưng không đủ ăn. Tháng 9/2020, tôi quyết định mở quán ăn nhỏ. Cũng hơi bất ngờ, anh chị em công nhân đến ủng hộ rất đông. Thu nhập của tôi khá hơn hẳn so với làm công nhân”.

Hà Nội: Người lao động chọn nhiều cách bươn chải vì dịch Covid-19 - 2

Quán của anh Nguyễn Văn Chiến được rất đông khách hàng ủng hộ

Cùng với anh Chiến, chị Nguyễn Thị Định 31 tuổi quê ở Sông Lô, Vĩnh Phúc cũng mở một cơ sở làm đẹp ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) sau 9 năm công việc làm công nhân vì dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Định Chia sẻ: “Sau khi nghỉ làm công nhân, tôi không do dự đi học luôn nghề làm đẹp. Nhận thấy ở đây, có nhiều công nhân nữ có nhu cầu làm đẹp, tôi quay trở lại mở quán vào hồi tháng 6 vừa qua”.

Hà Nội: Người lao động chọn nhiều cách bươn chải vì dịch Covid-19 - 3

Chị Nguyễn Thị Định chuyển từ công nhân sang làm Spa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo chị Nguyễn Thị Định, từ ngày mở quán làm đẹp, chị có nhiều thời gian cho gia đình hơn, đồng thời thu nhập cũng hơn rất nhiều so với làm công nhân.

Tạm bằng lòng với công việc mới

Anh Nguyễn Văn Chiến tiết lộ, mỗi ngày bán hàng, trừ chi phí anh thu lời vài trăm nghìn đồng. Vì chủ yếu phục vụ công nhân quanh khu công nghiệp nên công việc của anh bắt đầu từ 4h chiều đến khoảng 23h. Thời gian còn lại anh dành để dọn dẹp và nghỉ ngơi.

“Tôi chuyển sang làm công việc này, được tiếp xúc với nhiều người, giờ giấc cũng thoải mái hơn nên cảm thấy vui hẳn nên, sức khoẻ cũng được cải thiện” - anh Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm.

Hà Nội: Người lao động chọn nhiều cách bươn chải vì dịch Covid-19 - 4

Công việc mới cũng giúp anh Chiến có thời gian nghỉ ngơi

Được biết, thu nhập của chị Nguyễn Thị Định cũng khá hơn so với hồi còn đi làm công nhân. Từ khi mở cửa hàng làm đẹp, thu nhập của chị được 10 -15 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Định chia sẻ: “Trước đây, làm công nhân tháng nào tăng ca nhiều lắm mới được 8 triệu đồng. Không những thu nhập tốt hơn mà tôi có thời gian chăm sóc các con”.

Khi được hỏi về lý do không về quê khởi nghiệp mà chọn ở lại thì cả anh Nguyễn Văn Chiến và chị Nguyễn Thị Định đều từ chối.

Hà Nội: Người lao động chọn nhiều cách bươn chải vì dịch Covid-19 - 5

Chị Định tạm yên tâm với công việc mới này.

Theo anh Nguyễn Văn Chiến, vì đã xa nhà lên thành phố đã 12 năm nay nên giờ về quê sống không quen. Hơn nữa, trở về quê cũng không biết làm gì để kiếm sống.

“Giờ đi về quê, mình chỉ có làm phụ hồ hoặc cấy ruộng chứ khu công nghiệp cũng không có để xin vào làm. Trông chờ vào mấy sào ruộng cũng sẽ khó khăn” - anh Nguyễn Văn Chiến tâm sự.

Còn với chị Nguyễn Thị Định, việc bỏ ra hơn 30 triệu đồng để theo học nghề làm đẹp đã níu chị ở lại khu công nghiệp này: “Lúc đầu tôi cũng tính về quê. Nhưng về thì không biết làm gì. Hơn nữa, quê toàn là đồi núi nên ruộng cũng không có để cày cấy”.

                                                                                         Phạm Công