1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Nghề cắt tóc lao đao vì chưa "cắt" được.. Covid-19

(Dân trí) - Dịch Covid -19 tái bùng phát và sự e ngại trong tiếp xúc đã khiến người làm nghề cắt tóc tại Hà Nội lao đao. Thu nhập không đủ trả lương nhân viên, nhiều chủ cửa hàng tính đến chuyện chuyển nghề.

Hoạt động cầm chừng

Chị Nguyễn Thị Giang (trú tại Phú Mỹ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gắn bó với nghề cắt tóc được 12 năm qua. Tại Hà Nội, chị có 2 cửa hàng cắt tóc trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Mỗi tháng, tiền chi phí trả lương nhân viên và các khoản khác khoảng 50 triệu đồng.

Những khó khăn của nghề cắt tóc trong dịch Covd-19

“Từ lúc có dịch bệnh đến giờ doanh thu của mình giảm 70%, vừa rồi buộc phải cho nghỉ  2 nhân viên vì không còn khả năng trả lương”- chị Nguyễn Thị Giang cho hay.

Hà Nội: Nghề cắt tóc lao đao vì chưa cắt được.. Covid-19 - 1

Nhân viên quán của chị Giang luôn trong tình trạng rảnh rỗi

Theo chị Giang, lúc chưa có dịch, nghề của chị không bao giờ vắng khách. Bình quân mỗi ngày, trừ chi phí, chị thu về khoảng 1 triệu đồng.

Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, không những không có thu nhập, hàng ngày chị Giang còn phải bù thêm tiền mới đủ trả tiền cho nhân viên.

Cùng cảnh ngộ, anh Bùi Văn Hiền có 1 cửa hàng cắt tóc trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang rơi vào tình cảnh không biết xoay sở thế nào.

Theo anh Hiền, nguyên nhân các cửa hàng làm tóc “ế ẩm” là vì nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Mọi người buộc phải cắt giảm các chi tiêu không thiết yếu. Việc làm tóc theo đó không còn được ưu tiên.

Hà Nội: Nghề cắt tóc lao đao vì chưa cắt được.. Covid-19 - 2

Nhân viên trong quán anh Hiền không có khách nên làm đẹp cho nhau 

Cũng theo anh Hiền, mùa dịch người dân có tâm lý hạn chế đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như quán tóc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng cắt tóc rơi vào tình cảnh khó khăn.

Nguồn thu không có, nhưng hàng ngày anh Hiền vẫn phải gồng mình lên chi trả các loại chi phí như tiền nhà, tiền công nhân viên,…

​Để giảm thiểu tối đa chi phí cho cuộc sống, vừa rồi anh Hiền phải trả nhà thuê, chuyển đến ở tầng 2 cửa hàng sinh sống.

“Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, sắp tới mình cho nhân việt nghỉ hết. Kinh tế kiệt quệ lắm rồi, không thể tiếp tục duy trì được nữa”, anh Bùi Văn Hiền rầu rĩ nói.

Cửa hàng cắt tóc của anh Ngô Văn Thịnh nằm trên phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không ngoại lệ.

Anh Thịnh mở cửa hàng tại nhà, thế nhưng cả 2 vợ chồng anh đều làm nghề cắt tóc. Vắng khách, lại nằm trong ngõ nên cửa hàng của anh luôn trong tình trạng đóng cửa 2 tháng nay.

Hà Nội: Nghề cắt tóc lao đao vì chưa cắt được.. Covid-19 - 3

Cửa hàng của anh Thịnh ít khi mở cửa 

“Mở cửa thì không có khách, đóng cửa thì sốt ruột vì cả 2 vợ chồng chung 1 nghề. Cửa hàng không có thu nhập khiến cuộc sống của vợ chồng tôi vô cùng khó khăn. Nếu tình hình cứ mãi như thế này, tôi e rằng mấy tháng nữa phải chuyển nghề khác” - anh Thịnh tâm sự

Nhân viên cũng khó

Không chỉ có chủ các cửa hàng cắt tóc phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều nhân viên của các cửa hàng cắt tóc cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Vừa mới quay trở lại Hà Nội làm sau khi dãn cách xã hội, Hoàng Ánh Linh, đang là nhân viên của quán anh Hiền.

Chủ quán khó khăn khiến cuộc sống của Linh bấp bênh theo: “2 tháng vừa rồi em được nhận lương 4 triệu đồng, vì doanh thu của cửa hàng không có nên bọn em chỉ được trả lương cứng”.

Sống ở thành phố có vật giá đắt đỏ như Hà Nội, mức lương 4 triệu đồng khiến Linh phải chật vật co kéo, cân đối chi tiêu.

Hà Nội: Nghề cắt tóc lao đao vì chưa cắt được.. Covid-19 - 4

Hoàng Ánh Linh cùng những nhân viên khác ngồi chờ khách

“Về quê thì cũng chẳng biết làm gì, mà cứ ở lại Hà Nội thì khó khăn. Vừa cầm 4 triệu tiền lương trên tay, em phải thanh toán tiền nhà trọ hết hơn 2 triệu đồng, số tiền còn lại dành để chi tiêu cho cả tháng” - Hoàng Ánh Linh chia sẻ.

Để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, hàng ngày sáng đi làm, tối về Linh lại bán thêm quần áo trên mạng.

Nguyễn Kim Sơn, (trú tại Quế  Võ, Bắc Ninh) từng làm ở một quán cắt tóc lớn trên đường Lê Văn Lương. Dịch bệnh quay trở lại cũng là lúc Sơn mất việc.

"Không có khách, nên quán cắt giảm nhân sự, trước đây mỗi tháng em cũng được hơn 10 triệu đồng, từ lúc dịch chỉ được trả 5 triệu rồi tháng vừa rồi quán cho nghỉ hẳn" - Sơn chia sẻ.

Mất việc đã nửa tháng nay, thế nhưng Sơn vẫn cố gắng bám trụ lại Hà Nội với mong muốn tìm được một quán cắt tóc nào khác đang tuyển nhân viên.

"Dịch bệnh thế này các quán họ còn cho nghỉ bớt, em đi xin việc cả tuần nay chưa có chỗ nào nhận. Giờ em chỉ mong muốn hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường để sớm tìm được vệc" - Nguyễn Kim Sơn tùi ngùi tâm sự.

Để cuộc sống của những người làm nghề cắt tóc trở lại bình thường, điều quan trọng nhất chính là dịch bệnh cần được khống chế. Khi kinh tế hồi phục, sức khỏe của nhân viên và khách hàng được đảm bảo, nghề cắt tóc mới có thể khởi sắc trở lại.