1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Hơn 13.748 người đăng ký BHTN qua 5 tháng đầu năm 2016

“Qua 5 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội có 13.748 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 13.285 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kết quả trên đều tăng khoảng 20 % so với cùng kỳ năm 2015”.


Người lao động đăng ký BHTN tại Hà Nội

Người lao động đăng ký BHTN tại Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung Tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) - đánh giá tình hình thực hiện BHTN trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhìn chung cho thấy, công tác triển khai đồng bộ và cải tiến về thủ tục đã hỗ trợ hiệu quả cho người lao động, dù số lượng đăng ký có tăng hơn cùng kỳ năm 2015.

Tăng số lao động đến làm thủ tục

Khảo sát của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2016, có 13.748 lao động tới làm thủ tục đăng ký BHTN, tăng gần 30 % so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là kết quả từ việc điều chỉnh, thay đổi, chấm dứt chính sách nhân sự của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, như: Công ty TNHH Panasonic Industrial Devices VN với 209 lao động, công ty TNHH Microsoft Mobile VN với 108 lao động, công ty TNHH Flexcom VN với 166 lao động do công ty giải thể phá sản, công ty TNHH CSM VN với 165 lao động do công ty tái cơ cấu sản xuất kinh doanh…

Phân tích của phòng BHTN cho thấy, số lao động nghỉ việc do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có hơn 5.100 người; hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 3.200 người và mất việc làm do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu với gần 3.000 người…

Qua 5 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp, tổ chức ở Hà Nội tăng khoảng hơn 4 % so thời điểm cuối năm 2015, điều này đã tạo ra nhiều việc làm mới cho thị trường lao động. Bên cạnh đó, những thay đổi trong quy định pháp luật về BHTN tại Luật việc làm và NĐ 28/2015 đã có tác động tích cực hạn chế một số lao động có xu hướng chuyển việc để hưởng BHTN.

Trong khi đó, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu tập trung ở lao động phổ thông với hơn 6.300 người, đại học và trên đại học với hơn 5.000 người, trung cấp với khoảng 1.675 người. Còn lại là lao động có trình độ cao đẳng, sơ cấp và chứng chỉ nghề.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết thêm: “Đối tượng lao động có số lượng nghỉ việc cao nhất là nhân viên chuyên môn sơ cấp, nhân viên kỹ thuật làm việc tại văn phòng, bàn giấy với số lượng hơn 6.800 người. Sau đó là đối tượng lao động giản đơn với 5.125 người”.

Riêng với đối tượng là công nhận kỹ thuật có tới 3.673 người, số còn lại là lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc trung; lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc cao và lãnh đạo các ngành, các cấp và các đơn vị.

Rút ngắn thời gian làm thủ tục

Đánh giá về công tác giải quyết BHNT tại Hà Nội, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội - nhận định: “Công tác triển khai thực hiện cơ chế một cửa được thực hiện tốt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội theo Quyết định số 7444/QĐ-UBND ngày 09/12/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp thuộc TP Hà Nội”.

Để đảm bảo tốt nhiệm vụ được giao, Trung tâm DVVL Hà Nội đã có các văn bản báo báo gửi Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về công tác rà soát thủ tục hành chính, đề nghị sửa đổi, thay thế hoặc hủy bỏ một số quy định hành chính không còn phù hợp với pháp luật hiện hành để trình UBND Thành phố phê duyệt.

Đồng thời, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác rà soát thủ tục hành chính theo các văn bản hướng dẫn, có văn bản đề nghị Sở LĐTB&XH Hà Nội xem xét trình UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.

“Nhờ đó, thời gian giải quyết BHTN được rút ngắn 3 ngày (theo quy định là 20 ngày, nay là 17 ngày). Rút ngắn thời gian giải quyết đối với công tác hỗ trợ học nghề cho NLĐ từ 12 ngày giải quyết nay là 11 ngày (theo quy định là 15 ngày)” - bà Nguyễn Thị Kim Loan nhận định.

Ngoài ra, Trung tâm DVVL Hà Nội đã đồng bộ niêm yết bộ thủ tục hành chính tại các điểm tiếp nhận giải quyết BHTN thuộc Trung tâm DVVL Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Bộ thủ tục hành chính về BHTN được niêm yết công khai, rõ ràng, minh bạch mang đến nhiều thuận lợi cho người lao động khi đến làm thủ tục.

Hoàng Mạnh

Clip: Bà Nguyễn Thị Kim Loan - TP BHTN, TT DVVL Hà Nội đánh giá tình hình thực hiện BHTN tại TT DVVL Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan - TP BHTN, TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đánh giá tình hình thực hiện BHTN tại TT DVVL Hà Nội

TIN VẮN:

Nhiều quy định xử phạt vi phạm BHTN

Theo Điều 27 Nghị định số 88/2015/NĐ của Chính phủ, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quy định khá cụ thể.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối vớingười lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kểtừ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vàotrường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, Nghị định 88/2015/NĐ-CP cũng quy định việc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật…

P.D