1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hà Nội: Hơn 127 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp đã đến với người lao động

(Dân trí) - Tình hình thất nghiệp tại Hà Nội có xu hướng giảm. Trong tháng 9, TT DVVL Hà Nội nhận được hơn gần 7.500 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 2.000 hồ sơ so với tháng 8, tương đương 21%.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp

Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), trong tháng 9, thị trường việc làm thành phố có nhiều khởi sắc. 

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao nhu cầu sử dụng lao động, tập chung chủ yếu ở các ngành nghề  như công nghệ, công nghiệp.

Trong thời gian này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thành công 21 phiên giao dịch việc làm với 503 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia. Các doanh nghiệp gửi tới hơn 6.000 chỉ tiêu tuyển dụng, 3.200 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm và hơn 1.100 lao động được tuyển dụng.

Hà Nội: Hơn 127 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp đã đến với người lao động - 1

Nhu cầu sử dụng lao động tăng dần trong thời gian gần đây

Ông Tạ Văn Thảo cho biết: “Một tín hiệu đáng mừng cho thấy tình hình giải quyết và hỗ trợ kết nối việc làm cho doanh nghiệp và người lao động đang có những kết quả khả quan”.

Tình hình thất nghiệp có xu hướng giảm. Trong tháng 9, Trung tâm nhận được hơn gần 7.500 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 2.000 hồ sơ so với tháng 8, tương đương 21%.

Cũng trong tháng 9, toàn thành phố Hà Nội đã có hơn 7.500 người nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền được hỗ trợ hơn 127 tỷ đồng. Tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 7.500 người và hỗ trợ học nghề cho 164 người.

Nhiều kịch bản cho quý 4/2020

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, chưa được kiểm soát ở nhiều quốc gia và tiếp tục có những tác động mạnh đến kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam” - ông Tạ Văn Thảo nhận xét.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng các chỉ số từ thị trường lao động như xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng nhu cầu sử dụng lao động là những tín hiệu tích cực trong giai đoạn này.

Ông Tạ Văn Thảo nhận định, trong những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hơn nữa.

Trong trường hợp kiểm soát được dịch như hiện nay và không có ca bệnh nào lây nhiễm ngoài cộng đồng. Thành phố sẽ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế.

Hà Nội: Hơn 127 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp đã đến với người lao động - 2

Lượng hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp ỉam 21,11%

Tại Việt Nam, khai thác trở lại các đường bay nội địa và nối lại một số đường bay quốc tế. Các hoạt động kinh tế, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống lưu trú, vận tải hàng không,… đã dần được khôi phục lại.

Lao động, việc làm riêng trong các lĩnh vực này sẽ có nhiều biến động tích cực. Ngoài ra, lao động, việc làm trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, xuất khẩu các mặt hàng phục vụ thị trường quốc tế cũng đang dần phục hồì.

Số người lao động mất việc làm hàng tháng dự kiến sẽ có xu hướng giảm xuống mức 10.000 -12.000 người, giảm dần xuống mức trung bình dài hạn ở cùng thời kỳ so với các năm trước. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm xuống còn khoảng 30-35%.

Nếu trong quý 4/2020, Việt Nam xuất hiện làn sóng thứ 3 của Covid-19. Thị trường lao động Hà Nội có thể còn bị ảnh hưởng nhiều. Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa sẽ suy yếu, ví dụ như các hoạt động đầu tư, xây dựng, du lịch sẽ không được triển khai. Số người mất việc làm hàng tháng dự kiến tăng cao, khoảng 15.000 - 20.000 lao động. 

Ông Tạ Văn Thảo đề xuất một số giải pháp đối với thị trường lao động, việc làm cả nước nói chung và thị trường lao động Hà Nội nói riêng như: Tăng cường các hoạt động thu thập, xử lý thông tin, kết nối cung cầu, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả sàn giao dịch việc làm.

Ngoài công tác giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm cũng chú trọng tiêu chí đào tạo lại và đưa lao động trở lại thị trường lao động nhanh và kết nối những người được đào tạo xong gia nhập thị trường lao động.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.