1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hà Nội: Giải quyết việc làm cho 15,3 nghìn lao động

Phạm Công

(Dân trí) - TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 15,3 nghìn lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 1.950 lao động từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 79,7 tỷ đồng.

Cuối năm nhiều khởi sắc

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội trong những tháng đầu quý IV đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khởi sắc như tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tăng.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh đã tác động trực tiếp tới công tác giải quyết việc làm. Vì vậy, trung tâm dịch vụ việc làm đã tăng cường kết nối cung cầu lao động bằng nhiều hình thức đa dạng để tăng hiệu quả kết nối".

Trong bối cảnh dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tăng cường kết nối cung cầu lao động. Những thông tin tuyển dụng mới nhất từ các doanh nghiệp để công bố rộng rãi, liên tục tới người lao động thông qua các kênh truyền thông thông báo,website...

Hà Nội: Giải quyết việc làm cho 15,3 nghìn lao động - 1
Những thông tin tuyển dụng mới nhất từ các doanh nghiệp để công bố rộng rãi, liên tục tới người lao động

Hình thức tư vấn được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều đối tượng như tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua facebook, zalo…

Sau khi trở về trạng thái bình thường mới, bên cạnh các phiên giao dịch việc làm định kỳ, trung tâm còn tổ chức những phiên giao dịch lưu động tại các huyện, xã và thiết lập sàn giao dịch việc làm trực tuyến để tạo điều kiện cho những lao động ở xa. Đồng thời giữ nguyên các hình thức tư vấn qua điện thoại, internet,…

Ông Vũ Quang Thành cho biết: "Trong đợt dịch bệnh đầu tiên, thực hiện nghiêm chỉnh các Chỉ thị của Thủ tướng, chính phủ về phòng chống dịch bệnh, bằng sự nỗ lực kết nối cung cầu chúng tôi đã kết nối cho trên 15.000 người đến với các doanh nghiệp. Sau khi dịch bệnh ổn định chúng tôi lại tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm giúp người lao động giải quyết việc làm".

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra tình trạng sa thải, giãn giờ làm ở một số doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở một số ngành như  dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, du lịch và ngành sản xuất khác để cầm cự với khó khăn sau dịch, do vậy, người lao động vẫn đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Vẫn còn khó khăn và thách thức

Trước thực tế của tình hình thị trường lao động việc làm trong quý IV, ông Vũ Quang Thành cho rằng, thị trường lao động sẽ nhanh chóng phục hồi nhờ kết quả tích cực qua một số hoạt động như: Sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng. Nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến tăng từ 10 đến 15% so với quý III.

Cũng theo ông Vũ Quang Thành, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ, thúc đẩy hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, phù hợp với các yêu cầu , định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lao động việc làm nói chung, về dịch vụ việc làm nói riêng.

Đồng thời giúp cho lao động Việt Nam, đạt những tiêu chuẩn mới về lao động, có cơ hội tiếp cận với những cơ hội việc làm mới. Ngoài ra, lao động được nâng cao trình độ, chuyên môn nghề nghiệp và tăng thu nhập, được đảm bảo những quyền lợi nhất định và có khả năng gia nhập vào thị trường lao động quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả lâu dài. Nhận định trong những tháng cuối năm, Hà Nội vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Hà Nội: Giải quyết việc làm cho 15,3 nghìn lao động - 2

Song song với sự khởi sắc là khó khăn và thách thức

Dự báo hai kịch bản cho thị trường lao động những tháng đầu năm 2021, ông Vũ Quang thành cho hay, kịch bản thứ nhất, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng kiểm soát và phòng chống dịch tốt, cùng với đó là sự mở cửa trở lại giao thương với các đối tác quốc tế, hoạt động lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp dần được khôi phục và sôi động hơn.

Điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động cũng sẽ có những chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc.

Kịch bản thứ hai là Việt Nam trong các tháng cuối năm không kiểm soát được dịch, xuất hiện làn sóng thứ ba của Covid, tiếp tục lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Kinh tế - xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa sẽ suy yếu dẫn đến việc Số mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao.