Hà Nội: Đảm bảo ổn định quan hệ lao động trước và sau Tết Tân Sửu

Phạm Công

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động, ít hơn 6 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dự báo 2 tháng giáp Tết, tình hình quan hệ lao động còn nhiều khó khăn.

Cùng nhau vượt khó

Theo LĐLĐ TP Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội có hơn 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh sản xuất. Thành phố hiện có 9 khu công nghiệp, chế xuất thu hút hơn 600 dự án đầu tư tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm đến trên 90%.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 khiến hơn 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và hơn 30.000 lao động bị mất việc làm, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, dệt may, da giày.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội, không ít doanh nghiệp vẫn nằm trong tình trạng khó khăn.

Hà Nội: Đảm bảo ổn định quan hệ lao động trước và sau Tết Tân Sửu - 1

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động, ít hơn 6 vụ so với cùng kỳ năm ngoái

Trước những khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động, ít hơn 6 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 1 vụ xảy ra vào tháng 1 do 500 công nhân ngừng việc tập thể và 3 vụ xảy ra vào tháng 9 dẫn đến hơn 300 công nhân ngừng việc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban chính sách pháp luật, (LĐLĐ TP Hà Nội) - cho biết: "Nguyên nhân chính dẫn đến việc xảy ra tranh chấp lao động trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp nợ lương và cắt giảm nhân công khiến cho công nhân đình công tập thể".

Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Dưỡng, số vụ tranh chấp lao động giảm là do người lao động chia sẻ và cảm thông trước những khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ hội việc làm trong năm 2020 cũng khan hiếm nên người lao động có tính chất chấp nhận với công việc hiện tại.

Đồng thời các công đoàn cơ sở đã nỗ lực vận động đoàn viên, công nhân lao động khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng sức đồng lòng cùng doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đảm bảo hài hòa quan hệ lao động

Tuy nhiên theo ông Tạ Văn Dưỡng, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội dự báo sẽ diễn biến phức tạp.  

Do những tác động bởi đại dịch Covid-19, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đã xảy ra ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội: Đảm bảo ổn định quan hệ lao động trước và sau Tết Tân Sửu - 2

Dịp Tết nguyên đán Tân Sửu, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội dự báo sẽ diễn biến phức tạp

Đặc biệt, dịp cuối năm cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp thực hiện phương án tăng lương, chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động, từ đó rất dễ phát sinh những mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, để chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong quan hệ lao động, tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Ông Tạ Văn Dưỡng cho hay: "LĐLĐ TP Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó với tác động của dịch bệnh. Nhằm ứng phó kịp thời trước những tác động đến quan hệ lao động trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các khu công nghiệp và chế xuất".

Đồng thời, LĐLĐ TP cũng xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đảm bảo cho mọi công nhân, lao động được đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, an toàn, thiết thực.

"LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến trích khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Tân Sửu" - Ông Tạ Văn Dưỡng cho biết thêm.

LĐLĐ TP Hà Nội cũng lưu ý việc chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết và sớm công khai để công nhân lao động biết, yên tâm làm việc đồng thời, nắm bắt tình hình và giám sát việc triển khai thực hiện, phản ánh kịp thời với Công đoàn cấp trên.

Ngoài ra, LĐLĐ TP Hà Nội cũng kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng với công đoàn các cấp chăm lo Tết cho công nhân lao động. 

Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội đã chỉ đạo các công đoàn quận, huyện, ngành và các công đoàn cơ sở vận dụng mọi nguồn lực tổ chức, chăm lo cho công nhân theo hướng thiết thực. Tập trung về cơ sở và người lao động, đặc biệt công nhân các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do covid-19.