Hà Nội: Cửu vạn "ngóng khách" trong giá rét 8-10 độ C
(Dân trí) - Nhiệt độ Hà Nội hạ xuống 8-10 độ C, trong tiết trời giá buốt, những cửu vạn vẫn miệt mài "ngóng khách". Họ co ro đứng ngồi ngoài trời với hy vọng kiếm được chút tiền công để góp Tết cho gia đình…
Phơi mình trong giá buốt
"Có nhu cầu làm việc gì anh ơi?", anh Lê Thanh Chương (quê Thanh Hóa) vẫn câu cửa miệng như vậy mỗi khi thấy khách đỗ xe máy bên vệ đường. Trong cái lạnh chỉ khoảng 8 độ C, anh Chương vẫn chờ việc gần khu vực cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
"Hôm nào cũng như vậy, tôi đều ra đây từ 7h sáng đến tối mịt. Mọi hôm cũng được 2 - 3 khách thuê. Nhưng hôm nay chưa thấy ai ngó tới", anh cho biết. Những việc anh Chương thường được nhận là khuân vác đồ đạc hay làm phu hồ.
Tâm sự với PV, anh Chương chấp nhận làm bất cứ việc gì, miễn là không vi phạm pháp luật để có thêm thu nhập.
Mỗi một buổi làm thuê, anh được chủ nhà trả cho 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Ngày có ngày không, anh có thể kiếm được từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Trừ tiền ăn và ở trọ, anh để dành được khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Nói về thu nhập năm 2020, anh Lê Thanh Chương ngán ngẩm vì "người nhiều mà việc ít" do ảnh hưởng của Covid-19. Anh Chương cho biết, thời gian ấy, số tiền kiếm được có khi chỉ đủ trả tiền trọ và ăn uống qua ngày.
Cách đó vài chục mét, ông Nguyễn Văn Hồng (quê Nam Định) cùng các người lao động khác cũng tán gẫu giết thời gian. Cứ vào mỗi sáng sớm hàng ngày, 4 người cùng ở một dãy trọ lại đèo nhau ra cầu Lạc Trung chờ giao việc.
Hai tay đút túi áo, thi thoảng hơi nhún vai vì những cơn gió lạnh, ông Nguyễn Văn Hồng đã quá quen với việc này. "Chúng tôi chỉ biết đứng chờ chứ không biết làm gì khác. Lạnh thì lạnh thật, nhưng biết đâu lát nữa lại có người thuê việc", ông Hồng chia sẻ.
Ông cho biết, sáng nay mới được một khách gọi đi dỡ mái nhà ở quận Đống Đa. Một người bạn ông, tranh thủ được vài "cuốc" xe ôm, giờ đã nằm gác chân lên xe máy giải trí chơi vài ván bài trên mạng.
Theo ông Hồng, thời điểm gần Tết, số lượng người đổ xô tới Hà Nội tìm việc rất lớn. Vì thế, những người lao động như ông phải chờ ba bốn ngày liền là chuyện thường, có khi cả tuần lễ không kiếm được việc ra tiền không phải là chuyện hiếm.
"Ngóng khách" cần kiên nhẫn
Những người lao động ngoại tỉnh như anh Chương, ông Hồng đều mang trong mình hy vọng là kiếm thêm đồng tiền cải thiện bữa ăn ngày Tết. Nhưng có đến hàng nghìn người cùng mang quyết tâm như họ, vì thế giành dụm ra vài triệu đồng cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Sau khi giải ngũ, ông Nguyễn Văn Hồng rời Nam Định lên Hà Nội làm tài xế xe ôm truyền thống. Nhưng thấy chỉ làm việc này, thu nhập không đáng là bao, ông gia nhập "chợ người" nhận đủ thứ việc "thập cẩm", miễn là ra đồng tiền.
Làm cửu vận đất Hà Nội đã hàng chục năm, ông Hồng cho rằng ai làm nghề này cần có đức tính kiên nhẫn mới theo được. Bên cạnh đó, phải có sức khỏe dẻo dai vì luôn phải làm những công việc nặng nhọc.
"Lao động tự do ngày càng nhiều, ai cũng mong có việc tìm đến mình. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh xô xát vì tranh giành khách", ông chia sẻ.
Nói thêm, ông Hồng cho biết sẽ bám trụ ở Hà Nội đến khi nào không đủ sức khỏe nữa. Tết năm nay, ông sẽ cố gắng giành dụm tiền mừng tuổi cho các cháu và cùng vợ nấu nồi bánh chưng như mọi năm.
Đối với anh Lê Thanh Chương, dịp cuối năm là lúc anh thường bận rộn nhất. Anh Chương dự đoán tầm này sẽ có nhiều nhà thuê dọn dẹp nhà cửa hay chở cây cảnh về trang trí.
Mỗi dịp như thế, nếu suôn sẻ, anh có thể kiếm được ngót nghét 10 triệu đồng về quê ăn Tết. Vì thế, chi tiêu trên thành phố cần tính chi li, dè sẻn lắm anh mới giành ra ra được.
"Dân quê như tôi vì mưu sinh nên rét mướt phải chịu thôi. Nhiều người còn không đủ sức lao động, chúng tôi còn làm được việc, thế cũng là may mắn rồi", anh Chương chia sẻ.
Tâm sự với PV, nghỉ Tết, anh Chương sẽ sắm nhiều quần áo mới cho 2 cô con gái. Anh bày tỏ mong ước sang năm mới, dịch bệnh sẽ không còn nữa để dân lao động như anh yên tâm làm việc.