Góp chất xám làm công ty
Khởi nghiệp từ một phần mềm dự thi Trí tuệ Việt Nam, công ty MNS do 5 cựu sinh viên trường ĐH KHTN đang sở hữu hai giải pháp về quản lý trường mầm non và giải pháp cắt may công nghiệp. Còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm quản lý, nhưng bù lại, họ có được sự đam mê, đồng thuận và quyết tâm đi tìm cái mới…
Với giới lập trình và giới doanh nghiệp, MNS không được biết nhiều. Bởi đây là doanh nghiệp mới tròn một tuổi. Thế nhưng, với người quản lý các trường mầm non, MNS là cái tên khá quen thuộc. Từ phần mềm dự thi Trí tuệ Việt Nam, nhóm sinh viên này đã “nâng cấp” nhóm thành công ty.
Dùng phần mềm làm thương hiệu
Tuy đã hoàn thiện phần mềm quản lý trường mầm non và phổ biến rộng rãi cho nhiều người biết qua website www.mamnoneducation.com.vn, nhóm vẫn không thương mại hoá phần mềm này mà tặng miễn phí. Hiện, sản phẩm này đã được ứng dụng tại trường mầm non Tuổi Thơ (Phan Thiết, Bình Thuận) và trường mầm non Hoa Linh (Hà Nội).
Anh Trần Văn Giang, giám đốc công ty cho biết, công ty dùng phần mềm này làm thương hiệu là chính. Điều này quả hơi nghịch lý khi họ vẫn phải chạy kiếm từng hợp đồng một, hết làm website, lại làm phần mềm kế toán cho các đơn vị. “Cái chính là hướng phát triển lâu dài” - anh Giang nói.
Lai lịch của phần mềm quản lý trường mầm non bắt đầu từ một đề án môn học công cụ và môi trường. Thay vì phải làm theo đề bài do giáo viên đặt ra, anh Giang cùng hai bạn học khác là Tân, Phục tìm giải pháp phần mềm giúp các giáo viên mầm non vừa quản lý dưỡng chất vừa thiết lập báo cáo định kỳ, một công việc chiếm nhiều thời gian. Bảo vệ xong đề án, nhóm bổ sung dữ liệu, mang dự thi, để từ đó bắt tay khởi nghiệp.
Cũng từ cuộc thi này, nhóm làm quen được với kỹ sư may Nguyễn Phú Thọ, người đã hoàn thành giải pháp cắt may. “Đây sẽ là sản phẩm chủ lực của chúng tôi trong tương lai” - anh Giang cho biết. Giải pháp này đã hoàn chỉnh và đã có bảng Demo được bán với giá 75USD. Theo kết quả thử nghiệm ở một số cơ sở may đã tiết kiệm từ 1-3% vật liệu, chưa kể đến việc rút ngắn thời gian, giảm bớt nhân lực.
Không nhận lương khi chưa có khách hàng
Gom góp vốn, sử dụng nhà của một thành viên để làm trụ sở công ty, 5 thành viên: Giang, Tân, Phục, Sơn, Thành quyết định không nhận lương khi chưa có khách hàng. Vừa miệt mài lập trình, vừa lo tìm đầu ra, nhưng 5 người đều không nản chí.
Lo thất bại nhưng họ không sợ nó, như lời anh Giang: “Rủi ro vẫn xảy ra nhưng đó là bài học kinh nghiệm. Hơn nữa, chúng tôi còn trẻ, thất bại cũng không mất gì”.
Bản thân là dân kỹ thuật, nên các thành viên đều không có kiến thức về quản lý. “ Phải học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, đọc sách, báo hoặc tìm ở các website” - một thành viên cho biết.
Kinh nghiệm đầu tiên họ có được là việc bầu chọn giám đốc. “Chúng tôi thực hiện theo kiểu bỏ phiếu tín nhiệm, trên cơ sở phân tích khả năng quản lý của từng người” - anh Phục nói.
Công ty trẻ, do vậy cái khó nằm ở nhiều chỗ. Một việc không kém phần then chốt, đó là việc điều hành trơn tru bộ máy, xử lý mối quan hệ công việc, bạn bè và quan hệ trong đời sống. “Công việc là công việc, còn ra ngoài, chúng tôi là bạn bè” - anh Phục nói.
Bản thân giám đốc Giang cũng có đôi chút lúng túng khi phải ra lệnh cho những người bạn. Anh nói: “Trên cương vị đó, mình phải làm theo đúng chức năng. Nhưng trong lòng, đôi khi cũng ngại”. Cái ngại đó, được các thành viên giải quyết êm đẹp, bằng những lần đi uống nước, trò chuyện để hiểu nhau. “Có khúc mắc thì thảo luận, tìm cách giải quyết” - một thành viên nói.
Khi liệt kê các yếu tố cần thiết cho sự phát triển của công ty, các thành viên cho rằng tài chính, phương pháp quản lý điều hành và phải quyết tâm là những thứ được đặt lên hàng đầu. Câu trả lời đó nghe chung và khá quen thuộc với các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng ở đây, nó được làm rõ khi họ cùng khẳng định: Không có cái không làm được mà chỉ có cái chưa làm được.
Theo Song Ca
Sài Gòn Tiếp Thị