Giúp sếp cưỡng đoạt tiền, nhân viên vô can

VKSND tỉnh Đồng Nai đang xem xéthồ sơ một vụ án có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội. Theo một cán bộ VKStỉnh này, nếu phát hiện có sai phạm thì VKS sẽ kháng nghị bản án sơthẩm...

Theo hồ sơ, Hồ Anh Tuấn (43 tuổi) là giám đốc điều hành một công ty dịch vụ vận tải có trụ sở ở TP Biên Hòa. Trong quá trình điều hành, cho rằng tài xế HKT (nhân viên công ty) có hành vi gian lận để lấy tiền công ty nên Tuấn yêu cầu anh T. lái xe về trụ sở công ty để kiểm tra.

Nghi tài xế gian lận, sếp cưỡng đoạt

Chiều 27/7/2015, khi anh T. lái ô tô đến công ty thì Tuấn chỉ đạo Đinh Văn Phong, Nguyễn Tuấn Linh cùng một nhân viên khác đứng chờ sẵn, yêu cầu anh T. đưa ô tô vào xưởng sửa chữa để kiểm tra. Phát hiện đồng hồ của ô tô bị tê liệt, Tuấn cho rằng anh T. đã tác động làm hư đồng hồ xe để chiếm đoạt tiền cước vận chuyển của công ty nên đã đấm anh T. hai cái khiến anh này ngã xuống sân.

Sợ bị đánh, anh T. thừa nhận có tác động vào đồng hồ ô tô để lấy tiền cước vận chuyển. Tuấn tiếp tục túm cổ áo, kéo anh T. vào phòng làm việc của Tuấn rồi buộc anh này phải móc hết tài sản trong người ra nộp trả công ty. Anh T. đã lấy ra hai điện thoại di động, hai thẻ ATM của anh và em gái đưa cho Tuấn. Lúc này, Tuấn ép buộc anh T. phải cung cấp mật khẩu hai thẻ ATM rồi chỉ đạo Phong, Linh đi ra trụ ATM để rút tiền.

Do anh T. cung cấp sai mật khẩu nên khi đến trụ ATM, Phong và Linh không rút được tiền. Nghe Phong gọi điện thoại báo tin mật khẩu không đúng, Tuấn ép anh T. phải cung cấp mật khẩu thật. Khi Phong, Linh đã rút được 22 triệu đồng trong thẻ ATM của anh T., Tuấn còn buộc anh T. phải viết bản tường trình với nội dung đã có hành vi gian lận để chiếm đoạt tiền của công ty, phải nộp trả 19 triệu đồng và nộp phạt 10 triệu đồng. Sau đó, Tuấn giữ giấy tờ tùy thân, hai thẻ ATM, hai điện thoại di động và bằng lái xe của anh T. với điều kiện khi nào anh này đưa thêm 7 triệu đồng thì mới trả lại.

Sáng hôm sau, anh T. đến công ty lấy giấy tờ, tài sản thì Tuấn ép buộc anh cung cấp mật khẩu thẻ ATM của em gái anh để Tuấn tiếp tục rút thêm 7 triệu đồng. Sợ không lấy được tài sản, anh T. đã cung cấp mật khẩu cho Tuấn. Tuấn yêu cầu Linh đi rút được 800.000 đồng. Do rút chưa đủ số tiền “bồi thường” như đã yêu cầu, Tuấn không đưa hết giấy tờ cho anh T.

Ngày 10-8-2015, anh T. làm đơn trình báo sự việc với Công an TP Biên Hòa. Sau một thời gian xác minh, tháng 3-2016, Công an TP Biên Hòa đã bắt Tuấn để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Giúp sếp cưỡng đoạt tiền, nhân viên vô can - 1

Hai nhân viên giúp sếp lấy tiền vô can

Trong vụ án này, điều gây tranh cãi là chỉ có một mình Tuấn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó để chiếm đoạt 22,8 triệu đồng của anh T., Tuấn có sự hỗ trợ ngay từ đầu của hai nhân viên Phong và Linh nhưng quá trình điều tra, hai người này không bị xem xét với vai trò đồng phạm giúp sức.

Tháng 8-2016, TAND TP Biên Hòa đã xử sơ thẩm vụ án. Tòa xác định Phong và Linh là người đã trực tiếp cầm thẻ ATM của anh T. đi rút tiền, sau đó đưa về cho Tuấn. Nhưng do Phong và Linh chỉ làm theo sự chỉ đạo, không biết và không nhận thức được Tuấn đang có hành vi chiếm đoạt tiền của anh T. nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm. Về phần Tuấn, tòa cho rằng hành vi của Tuấn là bột phát, nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội cũng có phần lỗi của người bị hại. Từ đó, tòa phạt Tuấn 12 tháng tù treo.

Tuy nhiên, theo các tình tiết của vụ án thì không thể nói Phong, Linh không biết và không nhận thức được Tuấn đang có hành vi chiếm đoạt tiền của anh T. Bởi lẽ họ đã chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra nên với nhận thức của một người bình thường, họ phải hiểu hành động của mình là đang giúp Tuấn chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ngoài ra, việc tòa sơ thẩm nhận định việc bị cáo phạm tội cũng có phần lỗi của nạn nhân là không có cơ sở bởi chưa ai kết luận đồng hồ của ô tô bị tê liệt là do lỗi của nạn nhân. Việc anh T. thừa nhận có tác động vào đồng hồ ô tô để lấy tiền cước vận chuyển là do sợ bị Tuấn đánh.

Chưa rõ có dùng côn đánh người hay không

Quá trình điều tra, anh T. khai đã bị Tuấn kéo vào phòng làm việc rồi dùng côn nhị khúc đánh gãy ngón tay trái. Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận anh bị “tổn thương gãy xương bàn tay trái là 10%”. Tuy nhiên, Tuấn không thừa nhận, đồng thời ngoài lời khai của anh T. thì không có nhân chứng hoặc tài liệu, chứng cứ nào chứng minh chuyện này nên CQĐT không có cơ sở kết luận Tuấn dùng côn nhị khúc đánh anh T. Từ đó, CQĐT không xử lý Tuấn về hành vi cố ý gây thương tích.

Theo Plo.vn