Giúp bạn kiểm soát “cơn nghiện” Facebook ở công sở

(Dân trí) - Việc thường xuyên kiểm tra Facebook trong giờ làm việc giờ không còn là chuyện hiếm của nhân viên công sở. Thói quen này khiến bạn mất thời gian, giảm hiệu quả làm việc và đánh mất niềm tin của cấp trên, thậm chí sẽ làm bạn bị mất việc.


Giúp bạn kiểm soát “cơn nghiện” Facebook ở công sở

Kết quả một số cuộc thăm dò ở Mỹ cho thấy, 70% số nhân viên được hỏi kiểm tra Facebook mỗi sáng ở cơ quan trước khi làm bất cứ một công việc gì. “Cơn nghiện” Facebook đang lan đi như một thứ virus và có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, gây ra không ít tác hại cho bạn cũng như cho công ty.

Dưới đây là 7 cách giúp bạn kiểm soát việc sử dụng Facebook ở nơi làm việc để tránh những tác hại đó. Hãy tin tưởng vào bản thân, bạn có thể làm được điều đó:

1. Đừng để trang Facebook của bạn luôn trong tình trạng đăng nhập

Thoát Facebook là cách chắc chắn nhất để bạn tránh lúc nào cũng kiểm tra xem có thông tin mới nào hay không. Nếu bạn luôn giữ đăng nhập Facebook thì kiểu gì cũng có lúc bạn mở trang này ra một cách vô thức và rồi lại bị cuốn vào dòng comment, hình ảnh, like… không có điểm dừng. Thoát Facebook sẽ không đảm bảo là bạn không kiểm tra Facebook trong suốt cả ngày làm việc, nhưng thay vào đó, biến thói quen tự động vô thức của bạn thành một nỗ lực có ý thức. Hãy cố gắng để chỉ mở trang này vào thời gian giải lao hay nghỉ ăn trưa. Sau đó, khi làm việc trở lại, bạn hãy đăng xuất luôn khỏi trang.

2. Chia sẻ nội dung trên Facebook mà không cần đăng nhập

Bạn không nhất thiết phải đăng nhập mới có thể chia sẻ nội dung trên Facebook. Chỉ cần bổ sung một ứng dụng ‘Post to Facebook’ vào trình duyệt web mà bạn đang sử dụng, tất cả những cập nhật nội dung của bạn sẽ chờ sẵn trên Facebook khi bạn đăng nhập vào trang này lần tới.

3. Tắt các thông báo (notification) từ Facebook

Facebook luôn thông báo mỗi khi có một bình luận (comment) được đưa lên tường Facebook của bạn. Việc tắt những thông báo này giúp bạn tiết kiệm được thời gian khoảng 2 phút mà bạn tự động dành để lướt Facebook sau khi đọc comment đó. Bạn có thể chọn để Facebook gửi các thông báo này tới email và kiểm tra vào những thời gian phù hợp mà không cần phải đăng nhập vào Facebook.

4. Sử dụng các trang khác để cập nhật ảnh

Nếu bạn dùng Facebook để đưa nhiều bức ảnh lên, hãy thử  sử dụng một trang khác có khả năng đưa nhiều bức ảnh lên nhiều trang mạng xã hội một cách thật đơn giản. Bạn có thể dùng Flickr, Instagram, Tumblr và Twitter để chia sẻ ảnh. Facebook không phải là trang nắm giữ “độc quyền” đối với việc cập nhật và chia sẻ ảnh.

5. Sử dụng Facebook một cách có chủ ý

Một khi  bạn đăng nhập vào Facebook trong giờ làm việc, hãy làm việc đó có chủ ý và đặt ra những giới hạn. Hãy chỉ đưa lên một comment cụ thể hoặc trả lời một ai đó, sau đó phải đăng xuất ngay. Đừng để bản thân tự do đăng nhập và lướt Facebook vô thời hạn. Hãy xem Facebook như một nhiệm vụ cụ thể trong danh sách việc cần làm và có khủng thời gian cụ thể cho việc đó, thay vì một sự xả hơi không có giới hạn. Tốt hơn hết, bạn chỉ nên mở Facebook trong giờ nghỉ giải lao hoặc ăn trưa mà thôi.

6. Dùng thời gian lẽ ra bạn vào Facebook để thư giãn theo một cách khác

Mỗi khi cảm thấy muốn bấm vào biểu tượng Facebook, hãy đứng dậy, đi ra ngoài làm một cốc cà phê hoặc đi dạo một vòng quanh cơ quan. Đây là cách thức tương tự như dành cho một con nghiện thuốc lá: nhai kẹo cao su mỗi khi thèm thuốc để giảm độ nghiện. Trên thực tế, Facebook đã được chứng minh là gây nghiện mạnh hơn cả thuốc lá hay đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, bạn cũng nên áp dụng cách “cai nghiện” này sao cho vừa phải. Nếu bạn là người kiểm tra Facebook 6 lần mỗi giờ đồng hồ, thì mỗi khi “thèm” Facebook, bạn chỉ cần ngồi tại chỗ, vươn vai hay duỗi chân. Việc thường xuyên ra ngoài để uống cà phê và đi lòng vòng sẽ khiến sếp và đồng nghiệp của bạn để ý, đồng thời cũng không có lợi cho năng suất làm việc của chính bạn.

7. Chuyển sang dùng những mạng xã hội ít “gây nghiện” hơn Facebook

Nếu quá mê mẩn Facebook và liên tục phải vào trang này trong giờ làm việc, bạn cũng có thể giảm độ “nghiện” bằng cách tìm đến những mạng xã hội khác để duy trì sự kết nối mà không bị mất quá nhiều thời gian. Có rất nhiều mạng xã hội khác giúp bạn “buôn chuyện” nhanh và thư giãn đầu óc mà không tiêu tốn nhiều thời gian như Facebook, chẳng hạn Instagram hay LinkedIn. Những mạng này cũng được cho là có mức độ “gây nghiện” khiêm tốn hơn so với Facebook.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên để xảy ra tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” khi “né” Facebook mà lại chuyển sang “nghiện” những mạng xã hội này.

Facebook được thiết kế để giúp bạn duy trì kết nối với mọi người, nhưng không phải để “ngắt kết nối” giữa bạn với công việc của bạn. Xét cho cùng, công việc phải là ưu tiên số 1 khi bạn có mặt ở công sở. Bởi vậy, hãy cố gắng áp dụng những gợi ý trên đây để giảm thời gian bạn dành cho Facebook, và trở lại toàn tâm toàn ý với công việc.

Phương Anh
Theo Career Bliss