Giảng viên nhiều trường đại học, cao đẳng bỗng dưng mất việc

Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa tuyển sinh thì không ít trường đại học, cao đẳng lại phải “đốt đuốc đi tìm sinh viên”.

Nhiều nơi, số sinh viên chỉ đếm trên đầu ngón tay nên đành phải đóng cửa trường, giảng viên bỗng dưng mất việc hàng loạt. Đây là hệ quả tất yếu của cuộc chạy đua mở trường để kinh doanh giáo dục. Lãnh đạo một số trường yếm thế cho rằng, phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay tạo nhiều thuận lợi cho những trường top trên “vét” hết thí sinh.

Giảng viên nhiều trường đại học, cao đẳng bỗng dưng mất việc - 1

Trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, cô Phan Thị Thùy Dương, giảng viên khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam không khỏi bàng hoàng khi nhận thông tin cho nghỉ việc. Nhà trường thông báo, từ ngày 1/12 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với cô. 6 năm vui buồn trên bục giảng, cô Dương chưa một lần bị kỷ luật cớ sao trường lại chấm dứt hợp đồng?

Mà đâu phải riêng gì cô Dương, ở trường này có đến 118 trường hợp trong diện “bỗng dưng mất việc” như cô. Năm nay, nhà trường tuyển sinh quá ít không đủ tiền trả lương buộc phải cắt giảm lao động. Riêng Khoa Kinh tế, từ 50 giảng viên giảm xuống còn 6 người.

Cầm lá đơn xin chấm dứt hợp đồng đã được trường soạn sẵn, cô Phan Thị Thùy Dương do dự hồi lâu rồi mới đặt bút ký cho xong. Sống ở thành phố Tam Kỳ nhỏ bé này, chồng làm thợ may, con thơ nhỏ dại, cô Dương nay không có việc làm, cuộc sống gia đình mọi thứ đều đảo lộn.

“Trường khó khăn trường cho chấm dứt hợp đồng chứ không phải tụi em xin chấm dứt hợp đồng. Chỉ mong thầy hiệu trưởng gặp riêng mấy người hợp đồng bị đuổi như tụi em để nói một lời thông cảm với trường chứ không trách cứ chi hết. Nhà làm nông, cho ăn học trong Sài Gòn 4 năm trời xong về đi làm 6, 7 năm trời. Giờ về thì buồn thôi”- Cô Dương chia sẻ.

Thời hoàng kim của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam đã qua rồi. Đây là trường công lập của tỉnh nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của địa phương. Thế nhưng, năm nay trường chỉ tuyển được hơn 1.300 trên tổng số 3.750 chỉ tiêu. Sinh viên giảm, nguồn thu thấp, ngân sách tỉnh cấp dựa trên số lượng sinh viên cũng giảm đáng kể. Nhà trường rơi vào cảnh khó khăn.

Bi đát hơn có lẽ là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Bởi mới vài tháng trước, các trường này còn quảng bá tuyển sinh rầm rộ, trưng ra bề dày thành tích để thu hút sinh viên. Kết thúc mùa tuyển sinh, không ít trường lặng thinh vì số lượng sinh viên ngày càng teo tóp dần.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng cho biết, do tuyển quá ít sinh viên nên trường mở thêm trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hiển Nhân để giải quyết việc làm cho lao động dôi dư.

Thế là nhiều giảng viên Cao đẳng xuống làm giáo viên phổ thông: “Lực lượng giáo viên, cán bộ nhân viên của trường Cao đẳng mình đưa qua trường cấp 2, 3 Hiển Nhân trực thuộc trường Cao đẳng Bách khoa cũng đỡ đi một số rất nhiều, anh em không phải nghỉ. Còn các thầy cô mà không muốn qua bên trường cấp 2, 3 thì tạm nghỉ ở nhà chờ có thể là sang năm tuyển sinh được nhiều hơn vẫn tiếp tục dạy. Cũng có một số thầy, cô chuyển sang công tác khác.”.

Bây giờ, học sinh không mấy ai vào học các trường cao đẳng. Nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phải “đốt đuốc đi tìm sinh viên”. Trường Cao đẳng Lạc Việt nằm ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, năm học này chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao ở cả hai hệ cao đẳng và trung cấp. Đội ngũ cán bộ, giảng viên 52 người mà chỉ có lèo tèo vài sinh viên nên nhiều thầy, cô giáo nhàn rỗi, tìm việc làm thêm. Tình thế nan giải, lãnh đạo nhà trường chỉ biết động viên mọi người đợi chờ và tìm cách tự cứu mình.

Ông Nguyễn Đức Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Cao đẳng Lạc Việt hết sức lo lắng về tương lai của ngôi trường này: “Điều băn khoăn không phải chỗ của tôi mà thật ra với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, thầy cô giáo ở trường. Tôi động viên các thầy cô cố gắng cầm cự 2 năm nữa. Từ đây đến đó cũng có thể cầm cự được”.

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đã có hơn 320 đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng được trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó dành từ 60% đến 80% chỉ tiêu tuyển sinh riêng từ xét học bạ THPT. Đổi mới thi cử đã mang lại những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, việc xét học bạ tuyển sinh vào đại học ồ ạt như vừa qua đã gặp nhiều phản ứng không đồng tình từ lãnh đạo các trường cao đẳng và các chuyên gia giáo dục. Bởi cách tuyển sinh theo phương án xét học bạ vừa tạo điều kiện cho các trường đại học “vét” hết sinh viên, chất lượng đầu vào thấp; vừa tạo kẽ hở tiêu cực để chạy học bạ “sạch” với tâm lý muốn được vào đại học dù học lực ở mức trung bình hoặc yếu. Cũng từ đây, rất nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phải chạy đôn chạy đáo đi tuyển sinh viên.

Ông Phạm Đình Hân, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du, thành phố Đà Nẵng cho rằng, phương án tuyển sinh xét học bạ gây nhiều khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Thực tế những năm qua, trường đại học công lập được sáp nhập, nâng cấp ngày căng tăng trong khi số học sinh THPT lại sụt giảm. Chính vì thế, hệ cao đẳng trong và ngoài công lập đều điêu đứng. Năm học này, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du không tuyển được sinh viên nên phải đóng cửa.

Giảng viên nhiều trường đại học, cao đẳng bỗng dưng mất việc - 2

Ông Phạm Đình Hân bày tỏ bức xúc: “Theo tôi nghĩ sai lầm lớn nhất của Bộ là cho các trường đại học được xét tuyển sinh vào đại học thông qua học bạ học sinh. Đó là các trường có độ giãn quá lớn. Nếu đã thi là thi, xét học bạ là học bạ chứ vừa thi vừa xét học bạ thì đừng đặt ra ngưỡng đầu vào làm gì. Phải có ngưỡng chung để mọi người nhìn vào. Bên này thì thi, bên kia xét học bạ thì chẳng có ngưỡng nào cả. Bộ quản lý chất lượng tại sao không lấy chất lượng mà lấy học bạ. Bây giờ cứ cho ào ào các trường công cũng xét học bạ thì sao được”.

Từ năm 2005, nhà nước có chủ trương mở rộng mạng lưới các trường đại học, cao đẳng để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020.

Theo đó, nhiều địa phương, bộ ngành đua nhau thành lập trường đại học. Nơi nào có cao đẳng thì xin nâng cấp lên đại học. Đầu tư “hoành tráng hóa” giáo dục đại học thời gian này dễ kiếm lợi nhuận nên số trường đại học mới ra đời ngày một tăng nhanh. Đến nay, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài công lập.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích: “Hiện nay, số lượng những người muốn vào trường đại học và cao đẳng ngày càng giảm. Bởi vì số học sinh phổ thông cũng giảm dần mà số trường thì tăng lên nên hiển nhiên có một số trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở đây là nếu quản lý tốt thì tình trạng đó không phải như vừa rồi”.

Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những thất bại hay sai lầm đó là ở chính sách chúng ta quá chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng. Một trường đại học mà có 1 tiến sĩ thôi, thậm chí có trường đại học không có ai là tiến sĩ nên chất lượng thấp là điều hiển nhiên.

Cũng theo ông Trịnh Ngọc Thạch, lâu nay chúng ta không quy hoạch nguồn nhân lực gắn với đào tạo nên nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp: Liên quan đến chuyện công nhận Việt Nam là một nước công nghiệp phát triển thì tỷ lệ người trong độ tuổi được vào đại học phải ít nhất 50%, nhưng bây giờ Việt Nam mới có khoảng 18%.

Nếu đến năm 2020 chúng ta không đạt tỷ lệ đó thì không được công nhận là nước công nghiệp phát triển. Nên chúng ta vội vàng làm để có nhiều thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 22 tuổi được học đại học thì buộc phải mở nhiều trường Đại học. Đi cùng đó là nâng cấp trường Cao đẳng lên Đại học. Và bây giờ chúng ta phải trả giá.

Theo VOV.VN