1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gian nan nghề nuôi ngựa đua

Người đàn ông cầm ống nước xịt thẳng vào con ngựa đang cột bên hiên nhà. Trời nắng gắt. Nước làm cho con ngựa mát mẻ hơn. Nó im lặng hưởng thụ ân sủng mà chủ ban cho.

Không có lối thoát

Hiện ở huyện Đức Hòa (Long An) chỉ còn một vài hộ nuôi ngựa. Những con ngựa này vốn là ngựa đua. Chúng từng tham gia những cuộc đua nảy lửa ở các trường đua Phú Thọ, Đức Hòa và gần đây là Đại Nam (Bình Dương).

Tại xã Đức Lập Thượng, ngoài hộ anh Phan Văn Tú, 52 tuổi ở ấp Đức Ngãi 1 nuôi nhiều, còn lại một vài hộ nhưng mỗi hộ chỉ nuôi duy nhất 1 con.

Gian nan nghề nuôi ngựa đua - 1

Bầy ngựa 8 con của anh Tú. Trong bầy có con ngựa trắng 7 tuổi giá 100 triệu khi trường đua còn mở của. Nay không ai mua. 
 

Anh Tú vốn thích đua ngựa. Từ chỗ thích đến mê, anh sắm cho mình một đôi ngựa. Từ đôi ngựa đầu tiên này vào năm 2008, chúng sinh sôi và được mua đi bán lại để đến hôm nay, khi đường đua không còn tiếng vó, bầy ngựa của anh đã lên đến 8 con.

'Nuôi ngựa - nhất là ngựa đua không dễ như trâu bò. Không chỉ thuần ăn cỏ, muốn có sức mạnh trên đường đua, ngựa phải được cho ăn thêm lúa, chích thêm thuốc.

Ngoài ra, mỗi ngày 2 lần, ngựa phải được dắt đi bộ nhiều cây số để tăng thêm sức. Chi phí thức ăn cho một con ngựa đua rất cao. Chưa kể, muốn gây thành đàn có giống ngựa tốt, người nuôi phải cho đi phối với giống ngựa ngoại. Lứa ngựa lai này sẽ to hơn, cao hơn, khỏe hơn ngựa Việt thuần chủng. Mỗi lần phối mất 3 triệu nhưng không phải phối là thụ thai. Vài lần như thế mới có kết quả', anh Tú nói.

Gian nan nghề nuôi ngựa đua - 2

Anh Tú và con ngựa 19 tuổi. 
 

'Muốn nuôi được ngựa phải có tình thương với ngựa. Tôi đã nhiều lần đến trường đua Phú Thọ, nhìn những con ngựa lăn xả trên đường đua, thấy thương chúng vô cùng', anh Tú chia sẻ tiếp.

Bầy ngựa của anh vào lúc trường đua còn mở cửa lên đến 12 con. Bây giờ, các trường đua Phú Thọ, Đức Hòa, Đại Nam đều đã đóng cửa, bầy ngựa của anh lâm vào cảnh 'thất nghiệp' nên anh phải bán bớt.

8 con ngựa còn lại của anh bây giờ không được đầu tư như khi còn đua nên tướng mạo có phần giảm sút. 'Muốn bán lắm nhưng tìm người mua như mò kim đáy biển.

Anh thấy con ngựa trắng đó, nó đã được 7 tuổi rồi. Hồi Đại Nam còn đua, có người trả 100 triệu tôi không bán, giờ thì muốn bán không ai mua'.

Cũng như bao người nuôi ngựa mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, anh Tú rất mong trường đua mở cửa lại để hàng ngày còn nghe tiếng vó ngựa trên đường, để còn có điều kiện chăm sóc thương yêu chúng. 'Cái nghiệp nuôi ngựa đua mà anh', anh Tú chua chát nói với chúng tôi.

Mong muốn mở lại trường đua

Con ngựa thật cao, đứng im cho chủ xịt nước tắm nó. Nhìn con ngựa thật đẹp, thật oai. 'Giống ngựa nước ngoài đó anh' anh Huỳnh Văn Lào 48 tuổi, nhà ở ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng - người đang tắm cho ngựa nói với chúng tôi.
'Gốc tích con ngựa này hơi ly kỳ một chút', anh kể tiếp. Cha mẹ nó giống nước ngoài nhưng nó sinh ra ở vùng cà phê (Đắk Lắk). Nuôi lớn, nó được bán cho khu du lịch Đại Nam làm ngựa đua. Cuối cùng, Đại Nam chuyển thẳng cho anh nuôi đến bây giờ.

Gian nan nghề nuôi ngựa đua - 3

Chuồng ngựa nhà anh Lào.
 

Anh Lào sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi ngựa (từ đời ông, cha và giờ đến anh). Ngày xưa, cha ông của anh đều thường xuyên có mặt tại trường đua Phú Thọ. Ngựa nhà anh đã từng tham gia trên đường đua. Đến đời anh, trường đua vắng bóng ngựa, không còn nơi tung hoành nhưng ngược lại, bầy ngựa nhà anh lại tăng lên.

'Nếu ngày trước, cha ông theo nghiệp đua ngựa thì đến đời tôi, ngựa không còn được đua nên tôi chuyển sang kinh doanh. Tôi mua vào bán ra nên số ngựa nhiều dần ...'. Anh Lào kể lại.

Số ngựa hiện nay anh đang có lên đến 15 con gồm toàn ngựa thuần chủng ngoại nhập. Nhìn bầy ngựa của anh, con nào cũng cao to khỏe mạnh. Anh cho biết, nhiều nơi làm du lịch đã đến mua ngựa của anh. Một vài con xấu, anh bán lại cho một viện bào chế dược phẩm ở Ninh Thuận để nơi đây lấy huyết thanh. Chỉ hãn hữu lắm có những con ngựa bị chết mới được xẻ thịt, bởi thịt ngựa không được thông dụng lắm.

Ai cần giống ngựa tốt, muốn phối giống anh sẵn sàng hỗ trợ với giá rẻ. Anh nói, bây giờ ai cũng khổ. Phú Thọ, Đức Hòa, Đại Nam cả 3 trường đua đều đóng cửa. Có ai làm ra được đồng nào từ ngựa đâu nên anh chỉ lấy 1,5 triệu cho một lần ngựa phối giống trong khi ở những nơi khác lấy từ 3 - 5 triệu/lần.

Gian nan nghề nuôi ngựa đua - 4

Anh Lào tắm cho ngựa.
 

Chi phí nuôi ngựa đua giá rất cao. Ngoài cỏ, mỗi ngày mỗi con còn cần phải có khoảng 100.000đ tiền thức ăn. Chính vì điều này đã làm cho số lượng ngựa và người nuôi giảm đáng kể. 

Cũng may, những năm gần đây mầm bệnh của ngựa không xuất hiện giúp người nuôi đỡ một khoản chi phí.

'Nuôi vì tình yêu với ngựa chứ thật ra nghề nuôi ngựa, kinh doanh ngựa không có tương lai', anh Lào nói. Anh cũng cho biết, muốn phát triển nghề này điều kiện tiên quyết là phải mở lại trường đua. Đây cũng là điều kiện và lý do duy nhất để hồi sinh lại nghề vốn đã một thời vang bóng.

Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet.vn