Kỹ năng tuyển nhân viên:
Gián điệp nỗi lo của nhiều doanh nghiệp
(Dân trí) - Đối với bất kỳ doanh nghiệp, nguồn nhân lực là yếu tố và quyết định sự phát triển. Nhưng làm sao tuyển và giữ được nhân tài cũng như phát hiện gián điệp trong công ty thì luôn là một bài toán khó.
Làm sao phát hiện “gián điệp”
Tại buổi hội thảo “Tuyển và dụng nhân viên kinh doanh trong thời kỳ khó khăn” của Viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp tổ chức, Th.S Trần Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Công nhân đã đặt vấn đề: “Làm sao phát hiện tình báo gián điệp công nghiệp”
(ảnh chỉ mang tính minh họa)
Bàn về vấn đề này, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia tư vấn nhân sự cấp cao cho rằng: “Bình thường, lúc tuyển dụng, nhà tuyển dụng cần chú ý, những ứng viên có bằng cấp cao, kinh nghiệm làm việc nhưng không quan tâm nhiều đến quyền lợi mà chỉ cần vào được vị trí ứng tuyển, hay những người thường bàn về các kế hoạch và chiến lược của công ty. Đây là những người nên chú ý nhất”
“Nếu một người có mục đích vào công ty để làm gián điệp, chắc chắn họ ngụy trang rất kỹ. Nhà tuyển dụng cần cố gắng tiếp xúc bằng mắt để nhận ra người tuyển dụng thức sự muốn gì ở công ty mình”, ông Chiến nhấn mạnh
Riêng ông Diệp Minh Nghị, Giám đốc đào tạo Phú Quý Corporation lại nhìn nhận: “Nói về vấn đề gián điệp, doanh nghiệp đó cần xác định mình có gì để sợ tình báo hay không? Nếu không có thì chẳng phải quan tâm quá mức. Còn đối với doanh nghiệp có những thông tin mật sợ bị tiết lộ, lúc phóng vấn cần đưa ra những tiêu chí tuyển dụng với họ, để người tìm việc biết hậu quả nếu tiết lộ?
Tuy nhiên, trong “thế giới phẳng”, việc gián điệp xâm nhập vào một tổ chức là chuyện không thể không có. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần học cách “sống chung với lũ”.
Cần học cách “sống chung với lũ”
Một công ty muốn phát triển cần những con người thật trung thành và có năng lực thực sự. Làm sao để giữ nhân viên ở lại với công ty trở thành người thật sự hết mình với doanh nghiệp?
Nên tạo điều kiện để phát huy tối đa khả năng của nhân viên khi phân phối hàng
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Giám đốc công ty Smart Would Technology cho biết mình cũng thường đặt câu hỏi “Làm sao những nhân viên kỹ thuật sáng tạo ra các sản phẩm có thể thành “sao” bán sản phẩm ấy?”.
Nói về điều này, ông Chiến nói: “Tuyển dụng nhân viên không thể theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Cần cố gắng “nuôi trồng” hơn là chỉ lo “săn bắt”. Một trong những yếu tố để bán hàng thành công là người bán hàng thực sự yêu và hiểu về sản phẩm đó. Tuy nhiên, dân kỹ thuật thường quá tin vào mình, cần phải làm cho họ có tâm mở, thức trống để tiếp nhận cái mới.”
Họ không chỉ biết làm việc với máy móc mà còn phải biết làm việc với con người, với ngôn ngữ kinh tế thị trường. Những người làm việc trong công ty sẽ hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp nếu được đào tạo và định hướng về kỹ năng bán hàng thì dễ tỏa sáng hơn là người ngoài.
Tuy nhiên, TS. Lê Thanh Tú, Giám đốc Công ty Dịch vụ lễ tân Jollie Sam, Phó chủ tịch cộng đồng Vita Share phản đối: “Nhân viên kỹ thuật không thể bán hàng vì họ quá mải mê đi vào từng chi tiết “đứa con tinh thần” mà quên công việc chính là nói cho khách hàng biết về giá trị sản phẩm. Điều này làm khách hàng mất thời gian suy nghĩ về việc lựa chọn sản phẩm. Cuối cùng rất khó trong công tác phân phối”
Còn về phía ông Diệp Minh Nghị: “Việc đưa nhân viên kỹ thuật ra bán hàng thường khó thành công do họ thiếu kỹ năng bán sản phẩm. Nhưng điều đó không có nghĩa là chẳng thể xây dựng đội ngũ bán hàng. Nếu họ làm ra sản phẩm và thực sự yêu sản phẩm thì hãy đưa ra cho họ nhiệm vụ cần làm gì với sản phẩm đó, hãy tạo áp lực trong công việc, cho họ học qua các khóa về giao tiếp và bán sản phẩm.”
Hoài Lương - Xuân Thanh