Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Giảm tác động của Covid-19 lên các nhóm dễ bị tổn thương tại Việt Nam”
(Dân trí) - “Trong 4 tháng qua, dịch Covid-19 đã khiến gần 5 triệu lao động Việt Nam bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm và thu nhập...".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN.
Diễn ra chiều 10/6, Hội nghị thu hút 10 Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi và Phát triển xã hội đến từ các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.
Tác động sâu rộng
Chia sẻ thông tin với các Bộ trưởng Asean, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đại dịch Covid -19 đã lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 với những thách thức chưa từng có tiền lệ về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia.
Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã nhận thức sớm về dịch bệnh và có sự chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó, quá trình chống dịch còn nhận được sự đồng lòng của nhân dân. Đại dịch Covid-19 đã sớm được đẩy lùi và kiểm soát tốt.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 9/6, Việt Nam đã trải qua 54 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cả nước có 332 ca mắc Covid-19 trong đó số ca đang được điều trị chỉ còn 16, không có trường hợp tử vong nào.
“Trong 4 tháng đầu năm 2020, có gần 5 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đa số là những nhóm yếu thế, không có việc làm do các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19...” - Bộ trưởng cho biết.
Sau thời gian giãn cách xã hội, từ ngày 1/4-23/4, Việt Nam đã mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội với trạng thái bình thường mới.
“Tuy nhiên, dịch bệnh đã để lại không ít những tác động bất lợi lên các nhóm dễ bị tổn thương, lao động trong khu vực phi chính thức trong đó có rất nhiều người nghèo, người khuyết tật, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và an sinh xã hội của gia đình họ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực giáo dục, xã hội và y tế, như: Các trường học phải tạm thời đóng của kể từ đầu tháng 2/2020 đã ảnh hưởng đến việc đến trường của 20 triệu học sinh và sinh viên Việt Nam; tiếp cận dịch vụ y tế cũng bị hạn chế dẫn đến việc chữa trị đối với một số bệnh thông thường bị ảnh hưởng.
Đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả người dân trong xã hội, trong đó người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nhóm bị tổn thương nhiều nhất.
Triển khai hỗ trợ kịp thời
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để kịp thời hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ Đô la Mỹ), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: “Có thể thấy, đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện, thể hiện tính nhân văn của Chính phủ trong việc trong việc chăm lo tới đời sống của người dân. Đặc biệt là các nhóm yếu thế với hàng trăm nghìn người như người già, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người không có thu nhập ổn định, người lao động đứt bữa được nhận hỗ trợ trực tiếp”.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã áp dụng nhiều giải pháp tăng cường các dịch vụ xã hội để ứng phó với dịch bệnh như giáo dục trực tuyến được thúc đẩy; cải cách thủ tục khám chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ đợi và tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh.
“Có thể nói, về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới và đang tập trung để cũng giải quyết thành công các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương” - Bộ trưởng cho biết.
Hiện nay, các hoạt động kinh tế và xã hội của Việt Nam đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Phần lớn người lao động đã và đang quay trở lại làm việc cùng với đà phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, mức độ hội nhập kinh tế cao trong khu vực, bất kỳ một vấn đề an ninh, kinh tế hay xã hội của một nước thành viên nào cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với các nước thành viên còn lại ở một mức độ nhất định.
Bộ trưởng khẳng định: "Trong bối cảnh sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, khi bất ổn kinh tế dẫn theo bất ổn về xã hội tăng lên, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của lưới an sinh xã hội và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong từng nước cũng như trong khu vực ASEAN".
Nhiều kiến nghị
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các nước ASEAN tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện Tuyên bố Tăng cường ASXH trong ASEAN và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố này; tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực, đặc biệt là giữa các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, và tài chính, tăng cường các thảo luận chính sách về an sinh xã hội, ứng phó sẵn sàng với những khủng hoảng, thảm hoạ và dịch bệnh để đảm bảo những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi không ai bị bỏ lại phía sau…
Hoàng Mạnh