1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Sao không giảm cho người lao động?

Liên quan tới việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động từ 1 % xuống còn 0,5%, nhiều ý kiến băn khoăn vì sao không giảm thêm cho người lao động. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc trả lời báo giới.

Thưa bà, những căn cứ gì để Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề xuất trình Chính phủ về việc giảm mức 0,5 % đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp?

- Những năm vừa qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuế đất đối với một số doanh nghiệp, gia hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp...

Trên tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH, sau khi nghiên cứu tình hình thực hiện và kết dư của các Quỹ như: Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...Chúng tôi nhận thấy, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có tính chất ngắn hạn, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm.

Giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Sao không giảm cho người lao động? - 1

Nếu giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng từ 1% xuống 0,5% thì tổng thu BHTN mỗi năm giảm khoảng 25%.

Tính trên tổng thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2016 là 11.728 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm doanh nghiệp đã được hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng từ việc giảm mức đóng BHTN.

Hiệu quả của việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu ra, giảm áp lực lên giá thành sản phẩm, nâng cao cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Do đó, tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/4/2017 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ đã thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống 0,5%.

Thời gian điều chỉnh từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019.

Thưa bà, thông tin giảm mức đóng BHTN là một tín hiệu tốt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tại sao chỉ giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng mà không giảm cho người lao động?

- Với mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 97/NQ-CP nên cần thiết giảm mức đóng vào Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động.

Việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động cũng là hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện để bảo vệ vị trí việc làm và phòng tránh thất nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp.

Tại một số nước có quy định trách nhiệm đóng của người lao động và người sử dụng lao động là như nhau, mức đóng cụ thể được quy định hằng năm dựa trên dự toán chi năm đó.

Tuy nhiên, ở nước ta, theo quy định tại Điều 57 Luật việc làm, người lao động đóng 1%, người sử dụng đóng 1%, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% và do ngân sách trung ương đảm bảo.

Như vậy, việc đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động được quy định theo mức đóng cụ thể mà không quy định về nguyên tắc đóng vào Quỹ BHTN giữa các bên.

Hơn nữa, Quỹ BHTN là quỹ có tính ngắn hạn sẽ tăng giảm theo từng thời kỳ. Do đó, việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Sau đó tiếp tục đánh giá và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng đối với người lao động nếu thấy cần thiết.

Vậy, Quỹ BHTN liệu có nguy cơ không đủ chi khi giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động?

- Trong quá trình xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tình hình thi hành pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trong đó đánh giá về thu - chi bảo hiểm thất nghiệp, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, dự báo Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đánh giá tác động về việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm.

Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của việc giảm mức đóng vào Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động và dự báo tình hình thu - chi BHTN, độ an toàn Quỹ BHTN.

Đây là quỹ ngắn hạn, kết dư Quỹ BHTN ước tính đến cuối năm 2016 là 58.668 tỷ đồng (theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Dự báo đến năm 2020, khi triển khai việc điều chỉnh mức đóng, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn khả năng chi trả và đầy đủ quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động trong việc hưởng các chế độ BHTN.

Xin cảm ơn bà

Hoàng Mạnh thực hiện

Tin liên quan:

Tuyên truyền chính sách BHTN tại Lai Châu và Yên Bái

Cuối tháng 3, tại Lai Châu và Yên Bái, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Sao không giảm cho người lao động? - 2

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đại diện Cục Việc làm và Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Ngoài ra, Hội nghị cũng thu hút hơn 200 đại biểu đại diện người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương về tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị, các chuyên gia của Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm xã hội đã trình bày những quy định mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giải thích các thắc mắc của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động và những vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện. Hội nghị là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp và địa phương nâng cao hiểu thêm và nâng cao nhận thức về 4 chế độ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Nhà nước ban hành.

Q.T

Mức đóng và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Bạn Hoàng Dũng (Thanh Hoá) hỏi: Tôi mới đi làm ở một công ty tại Thanh Hoá, chủ doanh nghiệp cho biết sẽ tôi sẽ được tham gia vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vậy xin hỏi, mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định ra sao?

Giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Sao không giảm cho người lao động? - 2

Theo Khoản 1, Điều 57 của Luật Việc Làm năm 2013, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Ngoài ra, Điều 58 của Luật Việc làm cũng quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Việc làm