Giải quyết việc làm: “Xuất ngoại” khởi sắc!

Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), 6 tháng đầu năm 2014 hình giải quyết việc làm vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn do khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp. Trong khi vấn đề giải quyết việc làm trong nước không đạt kế hoạch thì công tác xuất khẩu lao động lại khởi sắc.

6 tháng đầu năm, hàng trăm nghìn LĐ trong nước được tạo việc làm.
6 tháng đầu năm, hàng trăm nghìn LĐ trong nước được tạo việc làm.

Tăng cường hỗ trợ người lao động

Ngay từ đầu năm 2014,Bộ LĐTBXH đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình với các nhóm giải pháp cụ thể, giao các địa phương triển khai. Trong đó, một trong những mục tiêu trọng điểm là vấn đề giải quyết việc làm.

6 tháng đầu năm, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 753.000 lao động, bằng 104% so với năm 2013 nhưng chỉ đạt 47% chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, giải quyết việc làm trong nớc cho khoảng 703.000 người, đạt 46,6% kế hoạch. Mảng xuất khẩu lao động khởi sắc với khoảng 50.000 người được đưa đi khắp các thị trường lao động, bằng 125,4% so với cùng kỳ và đạt 57% kế hoạch năm.
Để có được thành tựu này, Bộ LĐTBXH đã thực hiện các giải pháp nhằm duy trì ổn định và phát triển các thị trường truyền thống đã và đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như: Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Trung Đông, Nhật Bản. Bộ chủ trương tăng chất lượng và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động, nhờ đó một số thị trường đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoài tăng cường công tác giải quyết việc làm, Bộ chủ trương thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm được việc làm mới. Tính đến 20.5.2014 đã có 189.987 người đăng ký thất nghiệp; 162.530 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 157.837 người được tư vấn giới thiệu việc làm và 5.032 người được hỗ trợ học nghề.

Song song đó, công tác quản lý nhà nước về tiền lương cũng có sự chuyển biến rõ rệt, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương của các doanh nghiệp có xu hướng giảm. Tranh chấp lao động, đình công giảm. Tính đến hết tháng 3.2014, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 10.849 triệu người, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2013; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 177.939 người, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Gian nan giữ “thành tích”

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, để giữ vững được các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống và phát triển bền vững đến các thị trường mới, chúng ta còn rất nhiều công việc phải giải quyết rốt ráo. Ngoài việc xây dựng hoàn chỉnh chính sách, việc triển khai công tác xuất khẩu lao động phải được thực hiện nghiêm túc từ khâu tuyển chọn, đào tạo, thi cử. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lao động không chỉ được thể hiện ở tay nghề, trình độ mà còn ở việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định lao động của nước sở tại.

Với các thị trường có thu nhập tốt nhưng yêu cầu khắt khe như Hàn Quốc, Nhật Bản,... yêu cầu này lại càng cao. “Không có cơ hội quay lại làm việc lần thứ hai tại những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,... cho những lao động không tuân thủ quy định làm việc, lao động bỏ trốn khi hết thời hạn nên chúng tôi phải vừa giáo dục, vừa thuyết phục để người lao động hiểu. Thời gian gần đây tình trạng lao động bỏ trốn đã được giảm thiểu nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Bộ đã đề ra nhiều giải pháp, kể cả xử phạt nặng và yêu cầu lao động phải ký quỹ nhưng nhiều người bất chấp vẫn bỏ trốn ra ngoài làm”, ông Quỳnh cho biết.
Theo Quỳnh Chi/Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm