1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giải quyết khủng hoảng riêng tư ở nơi làm việc thế nào?

(Dân trí) - Những cuộc khủng hoảng cá nhân như bố mẹ bạn ốm nặng, con cái đến tuổi “nổi loạn” ở trường học, hoặc vợ/chồng bạn đột nhiên đòi ly hôn…chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng làm việc của bạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những trường hợp như thế, bạn cần có những bí quyết để công việc và cuộc sống riêng “vẹn cả đôi đường”. Dưới đây là 10 bí quyết được các chuyên gia đưa ra để hỗ trợ những người gặp khủng hoảng riêng tư:

1. Trao đổi với cấp trên về chuyện riêng của bạn

Theo các chuyên gia, hầu hết các cuộc khủng hoảng trong đời sống riêng tư đều lấy đi của bạn thời gian và năng lượng, theo đó ảnh hưởng tới chất lượng công việc của bạn. Bởi vậy, bất cứ khi nào cảm thấy công việc của mình bị ảnh hưởng, bạn cần phải thông báo với cấp trên để lãnh đạo có hướng hỗ trợ cho bạn, đảm bảo chất lượng công việc chung.

2. Chia sẻ thông tin ở mức độ vừa phải

Các nhà tâm lý học nổi tiếng khuyến cáo rằng, mức độ chia sẻ thông tin tốt nhất mà bạn nên áp dụng ở công sở khi bản thân bạn gặp khủng hoảng trong cuộc sống riêng tư là chia sẻ những chi tiết cơ bản nhất. Lý do ở đây là bạn càng tiết lộ nhiều thông tin, thì bạn càng dễ bị sếp và đồng nghiệp “soi”, dẫn tới những cách nhìn nhận không đáng có và bất lợi cho bạn. Mỗi người có một cách giải quyết khủng hoảng riêng tư không giống ai, dẫn tới việc thế mạnh của họ có thể bị người khác xem là yếu điểm. Bởi thế, những chuyện như mối lo về tài chính gia đình, các vấn đề luật pháp, sức khỏe tinh thần… là những chuyện bạn không nên nói ra ở công sở.

3. Nói với đồng nghiệp và khách hàng ở mức độ cần thiết


Bạn chỉ nên nói với những người đồng nghiệp biết rõ về bạn và có mối quan hệ đáng tin cậy với bạn về cuộc khủng hoảng riêng tư mà bạn đang gặp phải. Khi gặp khủng hoảng, bạn sẽ rất cần tới sự hỗ trợ của những đồng nghiệp như vậy. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng, chỉ trao đổi ở mức độ thật cần thiết như đã đề cập ở trên, đề phòng những người đồng nghiệp này phản bội lại niềm tin của bạn.

Đối với khách hàng, thường thì họ không cần phải biết về cuộc khủng hoảng riêng tư của bạn. Chỉ khi bạn là cấp trên trong một công ty hoặc có mối quan hệ rất gần gũi với một khách hàng, thì họ mới để ý khi bạn đột nhiên vắng mặt. Tuy nhiên, công ty sẽ bố trí nhân sự để thay thế cho bạn, vì vậy, bạn không cần thiết phải báo tin vì làm vậy sẽ chỉ khiến khách hàng lo lắng mà chằng giải quyết được việc gì.

4. Giữ thái độ tích cực và kiểm soát cảm xúc

Dù đang phải đối mặt với chuyện không vui trong đời sống riêng tư, hãy cố gắng thái độ tích cực và làm việc tốt nhất có thể như thường ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần nỗ lực kiểm soát mọi cảm xúc khi đến công sở. Nếu có thể, bạn chỉ nên nói chuyện với cấp trên về tình hình cá nhân khi đã cảm thấy bình tĩnh. Đừng bao giờ xuất hiện trước mặt sếp với khuân mặt đẫm nước mắt hoặc đầy vẻ đau khổ, thất vọng. Bạn cũng có thể tập dượt trước một cuộc trao đổi với cấp trên để giữ bình tĩnh khi nói.

5. Dành thời gian nghỉ ngơi

Công việc có thể khiến bạn tạm quên đi cuộc khủng hoảng riêng tư. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tập trung vào công việc vì cuộc khủng hoảng gây quá nhiều áp lực về cảm xúc cho bạn, hoặc đơn giản là bạn cần dành toàn bộ thời gian và tâm trí để giải quyết nó, cách tốt nhất là bạn xin nghỉ việc một thời gian. Các chuyên gia nói rằng, những người chuyên nghiệp khôn ngoan nhất là những người biết khi nào nên đặt công việc sang một bên. Cách này sẽ giúp cấp trên và đồng nghiệp của bạn biết họ có thể và không thể dựa vào bạn ở những công việc gì khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống riêng.

6. Tận dụng các nguồn lực

Chế độ bảo hiểm, các chính sách hỗ trợ nhân viên… của công ty chính là những nguồn lực mà bạn nên tận dụng để vượt khủng hoảng riêng tư nếu cần thiết.  

7. Đặt ra các giới hạn

Giới hạn luôn là thứ cần thiết, đặc biệt trong môi trường công sở, nhất lại là khi bạn đang có một cuộc khủng hoảng riêng tư. Bạn chỉ nên nói chuyện với người khác về cuộc sống riêng tư ở những nơi kín đáo, chẳng hạn trong phòng đóng kín cửa và chỉ có bạn với người bạn cần trao đổi. Ngoài ra, hãy dặn người nhà chỉ trao đổi thông tin với bạn về cuộc khủng hoảng vào giờ bạn nghỉ ăn trưa hoặc khi bạn đã hết giờ làm, trừ trường hợp khẩn cấp.

8. Làm công việc của mình

Nếu bạn cảm thấy mình vẫn đủ mạnh mẽ, hãy tiếp tục làm tốt công việc của mình. Đó là cách để bạn thể hiện sự tôn trọng đối với công ty. Hãy luôn nhớ, mục tiêu của bạn lúc nào cũng là làm tốt công việc. Mặc dù vậy, bạn cần sắp xếp mọi thứ lại một chút để có thể kiểm soát khủng hoảng riêng tư.

9. Tôn trọng người khác

Dù bạn đang gặp khủng hoảng đời sống riêng tư, hãy tôn trọng thời gian và sự chú ý của các đồng nghiệp. Bạn cần hiểu rằng, trong môi trường công sở, bạn cần phải giữ giới hạn nhất định ngay cả với những người đồng nghiệp mà bạn xem là bạn thân. Trong giờ làm việc, hãy dành sự chú ý cho công việc, không nên có những hành động và lời nói liên quan tới chuyện riêng của bạn khiến người khác mất tập trung.

10. Nói lời cảm ơn

Khi cuộc khủng hoảng riêng tư của bạn đã đi qua, đừng quên bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ sếp và đồng nghiệp đã hỗ trợ bạn. Bạn không cần phải làm gì nhiều, có thể đơn giản chỉ là viết một bức email cảm ơn mọi người là đủ.

Phương Anh
Theo Forbes