1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giải quyết chế độ BHTN cho người lao động ở DN FDI ra sao?

(Dân trí) - Nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi tới Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2019 do Báo điện tử Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hôm 8/8, liên quan tới thủ tục xử lý bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp FDI.

Chương trình có sự tham gia của ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm. 

Bày tỏ sự quan tâm về bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc Mai Văn Tiêm viết: “Tôi đang làm việc ở Cty nước ngoài được 7 tháng. Công ty chuyển đi nơi khác. Tôi không tiếp tục làm việc ở đó nữa. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?”.

Theo ông Lê Quang Trung, quy định tại khoản 2 Điều 49 đã nêu rõ: "Người lao động đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ là 1 trong 4 điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, bạn mới đóng được 7 tháng thì chưa đáp ứng được quy định nêu trên”.

Giải quyết chế độ BHTN cho người lao động ở DN FDI ra sao? - 1
Ông Lê Quang Trung tham gia giải đáp thắc mắc của bạn đọc

Đưa ra phương án dự phòng nếu như trước đây bạn Mai Văn Tiêm đã tham gia BHTN ở đơn vị khác, ông Lê Quang Trung bổ sung: “Trong trường hợp này, bạn được cộng thời gian đã tham gia BHTN nếu đủ điều kiện theo quy định điều 49 luật việc làm, thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Cũng từng làm việc ở công ty nước ngoài, bạn đọc Vũ Chí Tâm cho biết đã làm cho công ty nước ngoài và đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay. 

“Mức lương đóng BHTN ban đầu của tôi là 9 triệu đồng. Lương hiện nay của tôi là 25 triệu đồng/tháng. Vậy nếu tôi nghỉ việc vào lúc này thì được nhận mấy tháng lương bảo hiểm thất nghiệp. Xin cảm ơn” - bạn Vũ Chí Tâm viết.

Trả lời băn khoăn này, ông Lê Quang Trung cho biết: “Thời gian tối thiểu để được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Bởi vậy, nếu bạn chưa đáp ứng điều kiện này thì không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại diện Cục Việc làm cho biết: Mức hưởng hàng tháng bằng 60% mức tiền lương bình quân tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Việc làm.

Thủ tục giấy tờ xác nhận ra sao?

Bạn đọc Đinh Văn Phương: Tôi có 8 năm làm ở một doanh nghiệp FDI tại tỉnh Bình Dương. Tới đây tôi sẽ nghỉ việc. Vậy để đảm bảo có đủ hồ sơ nhận BHTN thì cần chuẩn bị gì?

Đại diện Cục Việc làm cho biết: “Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Điều 16 của Nghị định 28 ngày 12/3/2015. Do đó, bạn cần phải chuẩn bị văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Có thể là bản hợp đồng đã hết hạn hoặc quyết định thôi việc, hoặc thông báo thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, HĐLV, hoặc quyết định buộc thôi việc hoặc sa thải”.

Đồng thời, bạn phải có sổ BHXH trong đó có xác nhận về việc đóng BHTN để đến với trung tâm DVVL thuộc Sở LĐ-TB&XH nơi mà bạn muốn được hưởng TCTN làm các thủ tục theo quy định tại Nghị định nêu trên, Nghị định này tại Điều 32 cũng quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc cung cấp các giấy tờ nêu trên. 

Lâm Minh