Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn

(Dân trí) - Công việc đôi khi buộc những người gác rừng phải lấy lá cây làm thức ăn, nước suối làm thức uống. Đồng lương ít ỏi nhưng họ vẫn cống hiến, giữ màu xanh cho những cánh rừng trên vành đai biên giới.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn

Chốn “thâm sơn”…thiếu đủ bề !

Dưới cái nắng đổ lửa của ngày hè, chúng tôi về với những cánh rừng nơi ngã 3 Sê San nằm giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Sau nhiều giờ chật vật, đoàn chúng tôi đã đến với một trạm gác bảo vệ rừng nằm trên một ốc đảo của ngã 3 sông Sê San và suối Đăk Ly (thuộc BQL RPH Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai).

Nói là trạm gác cho “sang”, nhưng đó chỉ là một chiếc lều nhỏ làm bằng bạt để che nắng, che mưa cho những nhân viên bảo vệ rừng. Thấy chiếc thuyền từ ngoài xa vào trạm, 4 anh nhân viên bảo vệ rừng hớn hở chạy ra vẫy đón.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 1
Giữa ốc đảo Đăk Ly, những nhân viên bảo vệ rừng đã rựng một trạm nhằm chặn lối đi độc đạo của lâm tặc

Giữa “ốc đảo” Đăk Ly là cảnh hoang sơ, bốn bề là núi rừng, không có sóng điện thoại. Cuộc sống của những nhân viên bảo vệ rừng đều cách biệt với mọi thứ bên ngoài. Thứ các anh mang theo chỉ là gạo, còn thức ăn thì chủ yếu là lá rừng, cá suối…

Khi vào lập trạm, các anh chung tay chặt cây dựng lán tạm, mắc võng ngủ giữa rừng để gác. Đêm đêm, những giấc ngủ chập chờn vì cái rét xuyên qua lớp da mỏng. Lúc đó, các anh phải thay nhau châm củi để sưởi ấm qua đêm dài.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 2
Hàng năm trời, những người giữ rừng thay nhau ngủ trong những chiếc lán đơn sơ, lạnh lẽo này

Anh Trương Duy Quang (45 tuổi, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 4 thuộc BQL RPH Ia Ly) người đã có gần 15 năm sống “cắm chốt” trong rừng sâu.

Mỗi tháng, anh chỉ được cơ quan cho nghỉ 2 - 4 ngày để chạy hơn 100km về thăm vợ ở tỉnh Kon Tum. Đối với anh, rừng xanh như ngôi nhà thứ hai để anh sống và làm việc.

Anh Quang tâm sự: “Sau 15 năm cống hiến với nghề nhưng mức lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/1 tháng. Trong khi đó, cuộc sống xa nhà, “nhớ vợ thương con. Nhiều đêm mưa to gió lớn làm tốc cả mái che khiến 4 anh em ngồi co ro dưới gốc cây".

Theo dòng tâm sự của anh, những đêm tháng 12, từng cơn gió “cắt” qua khiến da thịt nhưng hàng trăm mũi kim đâm. Sống trong rừng cả tháng trời nên lương thực chủ yếu chỉ là lá rừng và cá sông. 

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 3
Tất cả thức ăn đều được các anh em tự trồng hoặc ăn rau rừng, cá sông

Bên kia bờ sông Sê San là những người đồng nghiệp cùng chung hoàn cảnh như anh Quang. Một trạm gác thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (huyện Ia Hdrai, Kon Tum) nằm sâu trong rừng xanh, chặn những lối độc đạo của “lâm tặc”. Đồng thời, đây cũng là lực lượng nòng cốt để khi có cháy rừng thì dập kịp thời.

Anh Phùng Chí Mạnh (40 tuổi, thôn 7, xã Ia Tơi, Ia Hdrai, Kon Tum) người đã gắn bó hơn 22 năm gác những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên.

Anh Mạnh trải lòng về cuộc sống chốn “thâm sơn”: “Khi xưa, tôi lên đây rừng chưa có lối, chim, thú dữ còn chạy khắp cả rừng. Lúc này, mấy anh em bảo vệ rừng mới chặt cây làm lán, lấy lá rừng làm mái che dựng nên chiếc lán vững chắc".

Những người gác rừng sợ nhất là những cơn mưa rừng. "Mỗi lúc mưa là kéo dài hàng tháng trời khiến cả tổ bị cô lập. Chính vì vậy, mỗi lúc lên trạm, tôi đèo cả 2 - 3 bao gạo để phòng lúc mưa lũ về", anh Mạnh.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 4
Những người giữ rừng đã dùng cây lồ ô dẫn nước từ suối về dùng

Theo chân những người gác rừng, chung tôi mới thực sự hiểu hết nỗi gian truân. Dù trên đỉnh núi hay ở giữa sông, người gác rừng đều phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Đó là những đêm co quắp vì sương gió của đất trời. Những đống lửa đốt quanh lều không đủ sưởi ấm trong đêm dài gió lạnh. Là nỗi niềm khi mức lương chưa tương xứng với dấu chân tuần tra in hằn giữa đại ngàn.

“Cuộc chiến giữ rừng…!”

Chính sự gian khó ấy đã góp phần “thầm lặng” cho hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ vẫn giữ màu xanh. Để gốc cổ thụ đứng hiên ngang, những người bảo vệ rừng đã phải đổ máu, kiên quyết chiến đấu với “lâm tặc” hung hãn. 

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 5
Hàng chục năm nay, những người nhân viên bảo vệ rừng sống khốn khó giữa rừng sâu

Ông Ngô Văn Hải (Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai, Kon Tum) cho biết: “Hầu như các anh em đều làm việc theo dạng hợp đồng lao động tới hàng chục năm. Người mới vào thì khoảng 2 triệu, người thâm niên thì 5 - 6 triệu đồng. Vì đồng lương thấp nên không ít người đã “bỏ nghề, bỏ rừng” đi tìm việc khác".

Trong công việc, cái khó là không thể trao những quyền hành, công cụ, chế độ cho anh em. Nếu phát hiện “lâm tặc” hung hãn, những người nhân viên bảo vệ rừng chỉ có thể bình tĩnh làm công tác tư tưởng, thuyết phục.

Đồng thời, đợi lực lượng phải phối hợp như hạt kiểm lâm, công an, chính quyền vào giúp đỡ, tránh sự chống đối. Chính vì vậy, ông Hải chỉ còn cách chủ động gần gũi, động viên, khích lệ các anh em trong công việc.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 6
Vượt rừng đi tuần tra, nguy hiểm rình rập...có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào

Anh Phùng Chí Mạnh (Lâm nghiệp Ia Hdrai, Kon Tum) trải lòng: “Đồng lương ít ỏi nhưng mỗi người phải gánh trên vai hơn 1.000 ha rừng. Tổ có 4 người nhưng phải bảo vệ gần 5.000 ha rừng. Mỗi ngày, chúng tôi cắt cữ 3 anh em thường xuyên đi tuần tra trên một chiếc thuyền gỗ nhỏ, xuyên qua từng cánh rừng, góc suối để kiểm soát thật kĩ lưỡng…".

Nguy hiểm trên đường luôn rình rập, bất cứ lúc nào anh em cũng có thể bỏ mạng nơi rừng xanh. Vậy nhưng anh em chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện khen thưởng, chỉ mong làm tốt công việc, không để tình trạng phá rừng xảy ra.

"Hơn 15 năm qua, mỗi lần có lương tôi đề chuyển thẳng về cho vợ con sinh sống. Sống trong rừng vậy, chỉ cần có lá cây, cá sông là sống được qua ngày”, Anh Phùng Chí Mạnh tâm sự.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 7
Sống trong rừng nhiều ngày trời, những người gác rừng phải bỏ gạo trong ống tre để dùng dần

Nghề giữ rừng phải đối mặt mới rất nhiều nguy hiểm trên đường tuần tra, việc ngã xe, ngã núi là chuyện bình thường đối với các anh. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là khi chống chọi với lâm tặc.

Mới đây, ngày 13/03/2020, sau khi hết ca trực, trên đường từ trạm trở về nhà, anh Phan Văn Thành (Nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai) đã bị một nhóm đối tượng đi trên 02 xe ô tô, khoảng 10 người chặn đánh gây thương tích.

Các đối tượng “lâm tặc” hung hãn dùng dao chém vào tai trái, cánh tay trái và cổ chân phải nhiều nhát. Tiếng kêu cứu của anh Thành yếu ớt giữa rừng xanh rồi ngất đi, đến khi tỉnh lại đã thấy bình nằm ở BV Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ lâm tặc hành hung những người giữ rừng.

Gia Lai: Nghe người gác rừng kể chuyện nghề giữa chốn thâm sơn - 8
Một nhân viên bảo vê rừng bị nhóm người chặn đánh trên đường tuần tra trở về (Ảnh: Chi cục kiểm lâm)

Những cây gỗ lớn trong rừng sâu như một “miếng mồi ngon” cho các đối tượng lâm tặc. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng, tay không đi tuần tra, đối mặt với bao nguy hiểm.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần có thêm nhiều biện pháp bảo vệ an toàn, nhiều chính sách hỗ trợ để những chiến sỹ bảo vệ rừng yên tâm, chiến đấu tiếp vì màu xanh của đại ngày Tây Nguyên.

Phạm Hoàng